Lịch sử chùa Tảo Sách
logo

Chùa Tảo Sách còn gọi là Tào Sách, tên chữ Linh Sơn Tự, có từ thế kỷ 16, ở số 386 Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Theo sách “Tây Hồ chí” và “Thăng Long cổ tích khảo”, chùa có nguồn gốc liên quan đến hoàng tử Uy Linh Lang, con trai thứ 7 của vua Trần Nhân Tông (trị vì 1279—1293). Thuở nhỏ, hoàng tử sống với mẹ là Chiêu Minh phu nhân ở phường Nhật Chiêu (nay là phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội). Nhiều lần, hoàng tử xin xuất gia đầu Phật nhưng không được cha mẹ chấp thuận. Hoàng tử lập một nhà nhỏ ven hồ làm nơi đọc sách, cùng bạn bè rèn văn, luyện võ, du thuyền thưởng trăng, ngâm vịnh thi phú, xa lánh chính sự. Khi Chiêu Minh phu nhân mất, nhà vua cho lập đền thờ, gọi là “Chiêu thánh điện”.

Năm 1285, khi nhà Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ 3, hoàng tử Linh Lang dựng cờ, chiêu mộ dân binh, xin vua cho xuất chinh dẹp giặc và đã lập được nhiều chiến công. Thắng trận trở về, hoàng tử không nhận ban thưởng mà lui về tu thiền ở chùa Vân Hồ. Vua luận công, phong là Dâm Đàm Đại Vương. Khi Đại Vương mất, nhân dân rước bài vị vào Chiêu thánh điện, thờ làm Chính thần hoàng cùng 6 người bạn của ngài. Còn trên nền nhà đọc sách ven hồ, dân làng dựng một thảo am để ghi nhớ dấu tích hoạt động của hoàng tử Uy Linh Lang.

Đầu đời Hậu Lê, dân sở tại đã dựng trên nền am thờ Uy Linh Lang một ngôi chùa, gọi là Tảo Sách. Gần cuối thế kỷ 16, sư Thủy Nguyệt hiệu Tông Giác du học Trung Hoa trở về đã quảng bá thiền phái Tào Ðộng và truyền thụ đệ tử trụ trì các chùa quanh hồ Tây. Chùa Tảo Sách sau trở thành một cơ sở sinh hoạt của hội Hoa Nghiêm, lấy kinh Hoa Nghiêm làm tôn chỉ, mục đích là siêu độ cho thân nhân của những người trong hội.

Chùa còn được gọi là Tào Sách và mang tên chữ Linh Sơn tự[1]. Từ xa xưa “Linh Sơn đạo” đã du nhập vào nước ta, mang đặc điểm hội tụ Tam giáo (Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo), được nhiều vua chúa tôn sùng. Sáng 01/09/2013, Đạo tràng Tịnh độ Linh Sơn chùa Tảo Sách đã làm lễ ra mắt tại chùa. Hiện nay các buổi lễ phóng sinh của đạo tràng Linh Sơn chùa Tảo Sách được tổ chức định kì vào ngày mùng 1 âm lịch hàng tháng.

Sáng ngày 27/1/2011, toàn bộ diện tích 150m2 của toà Tam Bảo bất ngờ bị hỏa hoạn thiêu trụi. Rất may là nhiều tượng thờ đã kịp thời được di chuyển ra ngoài. Không lâu sau đó, Thượng tọa trụ trì Thích Nguyên Hạnh đã cùng Phật tử thập phương quyên góp công đức phục dựng lại theo kiến trúc cũ.

Cổng chính của chùa Tảo Sách là một tam quan 2 tầng 8 mái đứng uy nghi trên đường Lạc Long Quân, bên phải có bảng đá đề tên di tích đã xếp hạng. Do việc thành phố cho xây kè và làm đường ven Hồ Tây, nhiều nhà dân ở đó đã được tu sửa, xoay hướng hoặc mở thêm cổng. Chùa Tảo Sách đã trùng tu, tôn tạo các công trình như Chính điện, nhà Tổ, Trai phòng, nhà Mẫu v.v. và xây một tháp chuông nhìn ra Hồ Tây, bên cạnh lại làm cổng sắt cho ô-tô ra vào.

Du khách đi ven hồ từ xa đã có thể nhìn thấy tháp chuông mới xây với 3 tầng 12 mái cao sừng sững, như một phương đình cửa mở về hướng đông-nam đón gió. Sau cổng là giả sơn ở giữa một sân rộng trước toà Tam bảo có kết cấu kiểu chuôi vồ truyền thống. Chếch bên trái tiền đường có dựng một tượng đài bằng đá trắng tạc Quán Thế Âm Bồ Tát đứng lộ thiên trên tòa sen; tay phải hướng lên trời bắt quyết, tay trái dốc bình tưới nước Cam Lồ.

Trong khuôn viên chùa, các tháp mộ được quy tập nằm đối diện vườn cây cảnh. Hiện nay chùa còn giữ được 42 đôi câu đối (gồm 39 đôi câu đối chữ Hán và 3 đôi câu đối chữ Nôm); 23 bức đại tự; 2 quả chuông (1 quả đúc năm Minh Mạng thứ ba 1822); 29 tấm bia đá ghi niên hiệu từ Thành Thái đến Bảo Đại (1889—1945) và hơn 40 pho tượng tròn (trong đó có 3 pho tượng Tam Thế được làm từ nửa cuối thế kỷ 18).

Có hai đôi câu đối cổ viết ở trụ biểu trước chùa, phiên âm như sau:

“Tào Sách thanh phong thiên cổ danh lam quang hữu vĩnh / Tây Hồ minh nguyệt tứ thời cảnh chí ánh vô biên”

Tạm dịch:

Gió mát Tào Sách, danh lam nghìn xưa sáng tươi mãi mãi / Trăng chiếu Hồ Tây, cảnh sắc bốn mùa toả ánh mênh mông

“Tú thủy kỳ sơn Tào Sách trường lưu thiên cổ tích / Xuân đài thọ vực thiền lâm biệt chiếm nhất hồ thiên”

Tạm dịch:

Sông gấm núi thiêng, Tào Sách mãi lưu trang cổ tích / Đài xuân vực thọ, rừng thiền riêng chiếm một hồ thiên

Trong số di vật đáng chú ý có những tấm bia như: Linh Sơn tự kỉ niệm bi kí (Bia ghi về kỉ niệm của chùa Linh Sơn) của Hòa thượng Phan Trung Thứ lập vào năm Tân Tị niên hiệu Bảo Đại (1941); Cựu Tào Sách Hoa Nghiêm hội bi kí (Bia ghi về hội Hoa Nghiêm của chùa Tào Sách cũ), Linh Sơn tự Hoa Nghiêm hội bi kí (Bia ghi về hội Hoa Nghiêm chùa Linh Sơn). Hai tấm bia sau đều do Cúc Hương Hoàng Thúc Hội người làng Cót soạn vào năm Bảo Đại thứ 8 (1933).

Ngày 23-07-1993, chùa Tảo Sách được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá quốc gia.

TIN MỚI NHẤT

Không gian thầy đồ - Văn Miếu Quốc Tử Giám

Không gian thầy đồ - Văn Miếu Quốc Tử Giám

TỪ MÁI TRANH LÀNG CŨ ĐẾN GÁC KHUÊ VĂN GẶP
Thư pháp từ những niềm vui nhỏ - Thùy Lân

Thư pháp từ những niềm vui nhỏ - Thùy Lân

Trước khi đến với lớp học thư pháp, em từng