Lặng lẽ, một đời chữ...
Những năm tháng hành trình cùng chữ bắt đầu từ những điều giản dị và chắt chiu. Tuổi thơ từng phải nhặt từng viên phấn rơi, xé đôi, bóc đôi những tờ giấy thừa để làm nháp, bạn bè thì xin nhau từng giọt mực cho chiếc bút kim tinh – chỉ để viết cho hết một bài tập.
Những năm tháng học đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, bạn bè trong lớp thường gom góp báo cũ lại cho để lấy giấy tập viết.
Ra trường đi làm, có người vì yêu nết, mến người mà đặt viết hoặc sưu tầm, có được chút điều kiện hơn, nhưng "cơm áo không đùa với khách thơ" chẳng phải lúc nào cũng dư dật tiền bạc để mua giấy tốt, mực tốt, hay bồi biểu, hoặc đóng khung tử tế cho từng tác phẩm. Nhiều khi vì quá cầu toàn, viết đi viết lại để truy cầu một cảm xúc trọn vẹn cho nét chữ – mà những bức bỏ lại cứ thế chất thành chồng. Có bức còn hóa đi, như một cách tiễn biệt lặng lẽ những lần chưa thành.
Nhưng có lẽ chính từ sự khan hiếm và trân quý từng chút một, tôi học được cách lắng nghe từng nét, chậm lại trong từng dòng mực, và kiên nhẫn với cả những gì chưa tròn vẹn. Từ đó, những tác phẩm thư pháp không chỉ là kỹ thuật – mà là những hơi thở sống động của tâm ý, mộc mạc, chân thành.
Tái cấu trúc – Khi chữ sống một đời khác
Trong dòng chảy nghệ thuật của Ngẫu Thư, mỗi tác phẩm thư pháp không chỉ là một khoảnh khắc dừng lại của cảm xúc, mà còn là một mạch sống, có thể tiếp tục biến chuyển, mở rộng, và tái sinh. Từ những tác phẩm đã hoàn chỉnh đến những bản viết dở dang, bất như ý – tất cả đều có thể trở thành chất liệu khởi sinh cho một cấu trúc mới.
Trong quá trình tái cấu trúc, Ngẫu đã gom tụ các tác phẩm cùng chủ đề, sắp xếp lại theo một trật tự mang tính đối thoại nội tại. Những tác phẩm độc lập, với chất liệu xuyến, dó và kích thước đa dạng, được xử lý trên nền toan, gỗ... Đôi khi là miếng gỗ bị bỏ rơi bên đường, một bức tranh lỗi, một tấm biểu lụa bồi với nét chữ và cảm xúc chưa tròn.
Ở đó, không chỉ là ý tứ bổ trợ – chồng lớp – hô ứng – ẩn hiện, mà còn là nơi màu sắc và đường nét hòa quyện, chảy trong nhau, nâng đỡ nhau như những dòng năng lượng âm dương vận hành cùng một vũ trụ hình và chữ.
Cảm hứng này khởi sinh khi Ngẫu biết Từ bi hơn với giấy mực và nét chữ của mình, yêu - thương cả những điều chưa trọn vẹn.
Chữ không chỉ để đọc. Chữ để ngắm. Chữ để cảm. Chữ để nghĩ.
Và hơn hết, chữ để sống – sống một đời khác, khi được đặt trong mối liên hệ mới, trong ánh sáng mới, giữa những tương quan thị giác và tư tưởng được gợi mở từ quá khứ nhưng luôn mới mẻ ở hiện tại.
Với người thưởng lãm, nó không mang đến lời giải – mà là một khoảng lặng để mỗi người tự đặt câu hỏi. Có người nhìn ra sự buông bỏ. Có người thấy dòng chảy tiếp nối. Có người không nói gì, nhưng lặng yên đứng lâu trước chữ – như đứng trước một người bạn cũ lâu ngày gặp lại.
Bắt đầu từ 2011 với tác phẩm Phá Mê Khai Ngộ (phiên bản đầu tiên)
(Sở hữu: Cao Sơn Trà)
...đến tác phiên bản tái sinh những nét chữ dở dang thành một tác phẩm mới với tư tưởng Phá Mê Khai Ngộ (Phiên bản 2018, 2019, 2020)
(Sở hữu Hùng tiên sinh, Bụt Trà Quán, Patrick Legay)
Tác phẩm ở giữa là sự hòa quyện của 2 nền tác phẩm đã chơi trong 2 năm,
Tác phẩm hoàn thiện là sự hợp duyên của các bức:
1. Ưng Vô Sở Trụ - Nhi Sanh Kỳ Tâm (2 bộ)
2. Xưa nay không xứ sở
Xứ sở là chân tông
Chân tông hư ảo thế
Có ảo tức không không. (
thiền sư Định Hương)
3. Chữ Nhân duyên bao hàm rất nhiều điều ngẫu nhiên, nhưng để duy trì nó lại cần rất nhiều điều tất nhiên.
4. Vòng tròn Enso
5. Vô Ngã Vô Ưu
6. Bản phối hợp tranh hoa sen của họa sĩ Vũ Xuân Đạt và thư pháp chữ "Ngộ - có bùn mới có sen"
(Sở hữu: Công ty Đức Dương - Quảng Ninh)
"Hãy yêu khi đời mang đến một cành hoa giữa tâm hồn" (Trịnh Công Sơn)
Sở hữu: MaiHoaBook
Ngồi nghĩ lại mình
(Sở hữu: Phốm)
Biết quên (2016)
Thơ Ngẫu Thư, cảm tác Bát Nhã Tâm Kinh
(lớp lớp nền là các bức thư pháp Nhẫn - Thiền - Đạo - Ngộ.
lớp gần nhất là bản kinh Bát Nhã do Ngẫu Thư thủ bút, dài 3m, trong quá trình làm bức 6m cho AnDu Chay)
Sở hữu: Họa sĩ Ngọc Dân
Dưới đây là 2 trong số các bức nền
Trở về (Tặng Hạ Lam)
Nhẫn (Tặng Quang Vinh)
Nhất Kỳ Nhất Hội
Sở hữu: Đỗ Gia
Ngộ - Bát Nhã (2m²) gồm 20 tác phẩm nền
Sở hữu: Bạch Hạc Trà Quán
Phiền não tức Bồ Đề
Lục hòa pháp (70.70cm)
Tác phẩm được bắt đầu từ ngày 20 - hoàn thành ngày 24/4/2025
Hành trình này có lẽ vẫn sẽ còn dài và thú vị...