ĐƯỜNG THI HỌA PHỔ - không chỉ là thơ Đường
logo
ĐƯỜNG THI HỌA PHỔ - không chỉ là thơ Đường
(Châu Hải Đường)
 
Thi, Thư, Họa – làm thơ, viết chữ, vẽ tranh, có thể nói là ba việc tao nhã chẳng những các văn nhân mặc khách xưa, mà cả nay đều yêu mến và trân trọng. Một cuốn sách nếu gồm đủ được cả ba môn nghệ thuật Thi – Thư – Họa thì quả là vô cùng trân quý: đó chính là cuốn “Đường Thi Họa Phổ” do Hoàng Phượng Trì biên soạn khắc in lần đầu vào cuối niên hiệu Vạn Lịch đời Minh.
“Đường Thi Họa Phổ” là tên gọi chung của 3 tập sách “Đường thi Ngũ ngôn họa phổ”, “Đường thi Thất ngôn họa phổ” và “Đường thi Lục ngôn họa phổ” với tổng cộng hơn 150 bài thơ, được Hoàng Phượng Trì – chủ nhân Tập Nhã Trai ở Hàng Châu, một người “vốn ôm chí tập họp những việc tao nhã” tuyển chọn biên soạn, rồi “tìm danh nhân nhờ viết chữ, lại tìm danh bút nhờ vẽ vời” mà thành. Tương ứng với hơn 150 bài thơ là hơn 150 bức tranh và cùng số lượng ấy các bức thư pháp của nhiều danh gia nổi tiếng đương thời, điều ấy đã khiến “Đường Thi Họa Phổ” không giống như những cuốn sách về thơ Đường xưa nay từng in ấn, mà là một cuốn sách mang đầy tính nghệ thuật, chẳng phải chỉ để đọc thơ, mà còn để xem tranh thưởng chữ. Đây có thể coi là điểm riêng, đặc biệt nhất của bộ “Đường Thi Họa Phổ” này.
 
“Thi trung hữu họa” là một quan niệm truyền thống của Trung Quốc, được Tô Đông Pha đời Tống nhắc đến sớm nhất khi bình luận về nghệ thuật thi và họa của nhà thơ Vương Duy đời Đường. Hoàng Phượng Trì đã rất đồng tình với quan điểm ấy, và cũng để phù hợp với mục đích ban đầu của tập sách, nên khi biên soạn ông đã lấy tiêu chí “Thi trung hữu họa” để tuyển chọn: tổng cộng tập sách có hơn 150 bài thơ Đường của gần 100 tác giả trong đó có những tác giả nổi tiếng như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Nguyên Chẩn … nhưng cũng có nhiều tác giả còn chưa được biết đến rộng rãi ở Việt Nam như Đậu Củng, Vương Hiên, Tả Yển, Phàn Hoảng … Ngoài một số bài thơ đã quen biết với độc giả Việt Nam như: “Trúc lý quán” của Vương Duy, “Xuân Hiểu” của Mạnh Hạo Nhiên … thì khá nhiều bài trong số đó còn ít được biết tới. Ví như “Thị gia nhân” của Lý Bạch...
 
 
Điều đáng chú ý nữa là, trong tập “Đường Thi Họa Phổ”, số lượng bài thơ Lục ngôn chiếm tới hơn một phần ba. Trong khi, thể loại Đường thi lục ngôn trước nay vốn được giới thiệu vô cùng khiêm tốn. Trong số những bài lục ngôn, có thể kể đến Vương Duy với chùm 7 bài “Điền viên lạc”, ngoài ra là các tác phẩm của Vương Kiến, Lô Luân, Hoàng Phủ Nhiễm, Lưu Trường Khanh … đều đáng để các bạn yêu thơ, nghiên cứu thơ Đường quan tâm tìm hiểu...
 
Phần tranh minh họa cho thơ, Hoàng Phượng Trì đã nhờ Sái Xung Hoàn – một họa gia nổi tiếng đương thời, người từng tham gia vẽ tranh minh họa cho nhiều bộ sách khi ấy thể hiện. Mặc dù vẽ tranh theo thi ý cổ nhân đã được nhiều họa sĩ Trung Hoa thực hiện, nhưng để minh họa đầy đủ mỗi bài thơ một bức tranh thì không hề dễ dàng. Hơn nữa, ở đây không phải là vẽ tranh trên giấy mà là vẽ tranh khắc ván in – người ta vẫn gọi là “bản họa”...
 
Trong lời tựa viết cho quyển thơ Thất ngôn trong tập này, Lâm Chi Thịnh có nói Sái Xung Hoàn “tụ tập rộng rãi nét xảo diệu của các nhà” để vẽ tranh. Quả đúng như vậy. Trong rất nhiều tranh minh họa của tập sách, Sái Xung Hoàn luôn đề rõ trên tranh nếu bức tranh của mình có phỏng theo bút ý của danh gia nào. Qua đó, ta có thể thấy ông phỏng theo bút ý của nhiều danh họa gia tiền bối như: Lý Tư Huấn, Cố Khải Chi, Tô Thức, Lý Chiêu Đạo, Chu Khắc Chính, Đổng Nguyên, Mã Lân, Cao Khắc Cung…
 
Nếu như tranh minh họa cho tập sách được giao phó cho một mình Sái Xung Hoàn đảm trách , thì các bức thư pháp đi kèm lại được Hoàng Phượng Trì kỳ công “rộng cầu danh gia viết chữ”. Trong “Đường Thi Họa Phổ” các bài thơ được thể hiện với phong cách thư pháp vô cùng phong phú, các thư thể triện, lệ, khải, hành, thảo đều gồm đủ. Đồng thời dẫu cùng một lối thư thể, nhưng mỗi cá nhân lại thể hiện một cách khác nhau, rất giàu tính thưởng thức, mỗi bức thư pháp đều có thể coi như một thư thiếp để lâm mô, học tập. Ta có thể thấy trong số đó, tác phẩm của nhiều nhân vật nổi tiếng về thư pháp khi ấy như Đổng Kỳ Xương, Trần Kế Nho, Hứa Quang Tộ, Tiêu Hoằng, Chu Chi Phiên … Bên cạnh đó là hàng loạt các danh nhân thư pháp tại địa phương Hàng Châu đương thời như Thẩm Đỉnh Tân, Thích Tự Ngạn, Tiền Sĩ Thăng … Rất nhiều các tác giả thư pháp trong “Đường Thi Họa Phổ” đến nay đã không còn ai biết rõ hành trạng và sự nghiệp. Họ cũng không còn lưu lại tác phẩm nào ngoài những bức thư pháp được khắc in trong tập này. Đây cũng là một điều khiến dịch giả và có lẽ cả quý vị độc giả cùng có chung cảm giác ngậm ngùi suy tư vậy...
 
 
Với mong muốn đem đến cho bạn đọc một cuốn thơ Đường được minh họa đẹp bởi các bức thư họa xưa, dịch giả đã tìm hiểu và chuyển ngữ đầy đủ bộ “Đường Thi Họa Phổ” ra tiếng Việt để bạn đọc trong nước có thể tiếp cận tập sách một cách dễ dàng, đồng thời, có những chú thích, cải chính nhất định những điểm chưa chính xác để bạn đọc hiểu rõ hơn về bài thơ. Vì các bức thư pháp được thể hiện bằng nhiều thư thể khác nhau, có thể gây khó khăn cho bạn đọc vì vậy với mỗi bài thơ, chúng tôi đều có nguyên văn chữ Hán, phiên âm, dịch thơ, và chú thích nếu cần.
 
 
Về việc dịch thơ, đối với hai thể loại Ngũ ngôn và Thất ngôn, ngoài dịch theo nguyên thể, cũng có bài chúng tôi dịch thành lục bát. Duy có phần Lục ngôn, vì tính chất nhịp điệu của thể loại, nên chúng tôi hoàn toàn dịch theo đúng nguyên thể. Trong cả 3 tập sách “Đường thi Ngũ ngôn họa phổ”, “Đường thi Thất ngôn họa phổ” và “Đường thi Lục ngôn họa phổ” mà lần này chúng tôi in chung thành một cuốn “Đường thi họa phổ” này đều có lời tựa, lời bạt của người đương thời, trong đó, ba lời tựa ở đầu ba cuốn là có giá trị hơn cả. Vì vậy chúng tôi có lựa chọn in lại đầy đủ nguyên văn, phiên âm và dịch nghĩa ba lời tựa ấy ở phần phụ lục cuối sách để bạn đọc tham khảo thưởng thức.
 
 
Trong lời tựa cuốn "Đường thi Ngũ ngôn Họa phổ" Vương Địch Cát có viết: “Đại khái, có ba thứ trên đời xưng là bất hủ, đó là: thơ, chữ viết, tranh vẽ. Cả ba đều tận mỹ tận thiện, khi thì ngâm vịnh, khi thì lâm mô, khi thì thưởng lãm, thong dong tiêu sái, đắc trong tâm mà ứng ra tay, tựa như đầu bếp xẻ trâu, siêu thoát ra ngoài lối mòn của bút mực, mà đem lưu trữ làm vật gia tàng, há lại chỉ mong lưu lại trong một đời mà thôi ư, ắt hẳn sẽ được đời đời trân quý vậy.”
 
Có thể nói: Cuốn "Đường thi Họa phổ" này không phải chỉ có thơ Đường, mà còn là một tài liệu lý thú cho các bạn yêu thích học tập Thư pháp và Hội họa!

Bài viết liên quan