THƯƠNG NHỚ NGƯỜI XƯA - KỂ VỀ LƯU ĐỨC THƯ
logo
THƯƠNG NHỚ NGƯỜI XƯA - KỂ VỀ LƯU ĐỨC THƯ
 
Tôi với anh Long 3 năm thì chuyển ra ngoài ở.
Ngày tôi về Trần Cung, đêm mơ thầy gọi điện nói chuyện, vẫn mở đầu bằng giọng tếu táo trêu đùa như hồi thầy còn ở, rồi mới bắt đầu hỏi han tâm sự.
 
Thực lòng tôi đau đáu đi tìm 1 căn nhà tập thể cũ.
Ngày trước, tôi thường nghe thầy, các chị kể về căn nhà của thầy ở khu Giảng Võ. Căn nhà nhìn ra hồ, có khóm Quỳnh bên cửa sổ, là hơi hội tụ của các thầy và sinh viên sư phạm Văn.
Không có dịp biết đến nơi ấy, nhưng tôi vẫn mong tìm thăm và được ở một căn nhà như vậy.
Thật may, căn nhà tôi tìm lần trước và thuê hụt nay đã chuyển đi. Tôi chuyển về đó ngay. Nơi ấy gần nơi tôi làm việc, lại cũng gần nơi tôi dạy học và gặp gỡ bạn bè: Tầng 4, nhà D6 Tô Hiệu. Nhà thầy ở Giảng Võ, cũng là D6, tầng 5
 
Trước đó, tôi và bạn gái vào SG viếng đám và ghé thăm nhà thầy. Đó là một căn nhà khác của căn khác của cô Hoà Lan con gái Thầy, chứ không phải căn nhà tôi thường lui tới trong 4 năm đại học.
Sách vở sưu tầm, tài liệu, SGK, sách tham khảo viết chung viết riêng nay đã không còn đủ chỗ để bày. Hạnh phúc thay, cô con gái thầy quyết định san 1 phần về quê Quảng Bình, còn lại cho tôi lưu giữ.
Chúng tôi cùng nhau sắp xếp, phân loại. Mang theo 1 vài cuốn về, trong đó có tập haiku tôi viết tay 33 bài tuyển từ các tập của thầy.
Ngày tôi vừa chuyển sang nhà mới, cũng là lúc mấy trăm cuốn sách được đóng thùng cẩn thận vừa gửi ra đến nơi.
 
Trước nay tôi lấy bút hiệu Ngẫu Thư.
Những năm tháng đại học, nhờ mối nhân duyên trên chuyến tàu Bắc Nam mà gặp được chị Hoàng Oanh, rồi trở thành học trò của thầy và là thành viên của clb thơ Haiku đầu tiên ở VN do thầy sáng lập.
Thầy coi tôi như con, dạy tôi về văn chương, haiku, chụp ảnh, uống trà...và nhiều điều khác trong cuộc sống. Đặc biệt là tâm lòng nhân hậu của Thầy là bài học lớn nhất cho tôi.
 
Tôi về Hà Nội rồi vẫn thường liên hệ và có nhiều duyên theo thầy đi đây đó.
Ngày Thầy ốm nặng, tôi vào ở với thầy mấy hôm, cùng nhau làm những bài haiku cuối.
 
Khi thầy rời cõi tạm, tôi chợt nghĩ trong một sát na nào đó về tên Lưu Đức Thư
Lưu Đức là họ của thầy, Thư vốn là hiệu của tôi. Cái tên ghi dấu 1 cuộc đời, một mối lương duyên thầy - trò.
Hơn thế nữa, những năm tháng viết chữ bằng bút lông, nhiều nết đẹp cũng được ướp và thanh lọc cho tâm hồn tôi, dù hình thức chữ có lúc này lúc khác. Những bức chữ viết ra rồi cũng theo vô thường mà hoại diệt thôi. Nhưng có lẽ, ý nghĩa của nó vẫn cứ xanh tươi với cây đời.
Tôi viết, không phải chỉ để biểu diễn, hay trang trí đơn thuần. Có lẽ, với cái cần giữ là Đức, là Hạnh, là Nết của ngữ nghĩa ẩn sau.
Chẳng phải người ta vẫn thờ chữ Đức Lưu Quang (Đức hạnh tỏa sáng lưu truyền mãi) đấy sao.
Tôi tin dù mình sức mọn tài hèn cũng có thể góp phần truyền thông cho ngữ nghĩa của chữ bằng một hình thức nào đó.
Và đơn giản cũng là người lưu giữ sách vở của thầy.
Lưu Đức Thư là vậy!
 
 
Tôi mang chuyện này tâm sự với nhà thư pháp Xuân Như và nhờ anh khắc cho con dấu. Anh rất mở lòng lắng nghe và khắc tặng cho tôi chữ Lưu Đức Thư lên đá.
Sau này, học viên lớp Hoa Xuân Ca 2020 Trần Thưởng thường băn khoăn về việc viết chữ theo mẫu của tôi thì phải làm sao để an tâm là mình chỉ là người kế thừa. Những bức tập viết theo anh thường ghi “Lâm mô của thầy Ngẫu”. Tôi chia sẻ với anh, ngày nay người qua mới quan trọng bản quyền, chứ việc học chữ của các cụ, các thư gia xưa đều là sự kế thừa tinh tuý của người dạy hoặc nét chữ mà mình yêu. Có người cứ kiên trì theo một lối, rồi thôi thêm nét cá tính. Có người lại học theo nhiều nhà để chắt lọc tinh hoa.
Khi nghe chuyện về tôi và thầy Lưu Đức Trung, anh đã xin được khắc dấu Lưu Đức Thư để tiếp nối tinh thần này. Khi ấy anh mới học chưa đầy 1 năm. Đương nhiên, tôi rất hoan hỷ.
 
Có lần, Minh Tuệ bảo: Cậu ơi, hôm truyền hình quay về cậu và lớp học, con rất bất ngờ về chữ của anh Thưởng. Dường như đã có một Ngẫu Thư đi ra từ Trần Thưởng.
Đến đây, tôi chợt nhớ đến câu hát của Trịnh Công Sơn: “Có tôi trong dáng em ngồi trước sân”
Chúng ta, tuy là những cái ngã độc lập, nhưng với những tâm hồn đồng điệu sâu sắc, thì dù có bên nhau hay không cũng vẫn không phải là điều quá quan trọng.
“Có nhau là ta ở trong nhau” (Lệ Thương)