Bên ban công của khu tập thể, nhìn ra là tán cây phượng già, nhìn xuống là con ngõ nhỏ yên tĩnh dưới ngọn đèn đường, tôi thường nghe audio tản văn của Bạch Lạc Mai. Tuyệt nhất là vào những đêm mưa, mái tôn như những phím đàn, hạt mưa là ngón tay thon chơi một bản nhạc đầy ngẫu hứng, khi thong thả dịu êm, lúc lại lên cao trào mạnh mẽ.
Trong cuốn “Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi” Bạch Lạc Mai viết có đoạn:
“Tôi muốn ẩn cư ở Giang Nam, có non có nước, còn có từng cội từng cội mai gầy.
Tôi muốn ẩn cư ở Giang Nam, trồng hoa khắp sân, châm một bình trà mới, chỉ ngửi hương trà mà không uống.
Tôi muốn ẩn cư ở Giang Nam, yêu một người đương ở độ tuổi hoa. Sau đó, cùng nhau sống qua năm tháng.”
Chẳng nhớ ngày tháng nào đã qua, trong một lần uống trà trong quán của người anh em Hoàng Bách - quán Bạch Hạc Trà, tôi gọi một ấm trà tiếp khách. Vẫn là những món trà quen dùng, vẫn là những loại thường ngày của quán, tuy chẳng nhớ là loại trà gì. Trong lúc nhân viên chuẩn bị ấm chén nước trà, tôi bước qua ngay đó để vào nhà vệ sinh, chợt làn hương trà thơm ngọt thoảng nhẹ qua ngay trong tích tắc. Tôi ngây ngất tận hưởng rồi thốt lên mấy câu đùa vui: thôi xong, hóa ra bao lâu nay, mỗi lần chú gọi trà là các cháu đã được hưởng phần tinh tuý nhất. Lần sau để chú tự pha nha!
Nhưng thú thực, chưa lần nào tôi pha trà mà gặp lại làm hương của khoảnh khắc ấy.
Mùi hương của trà có thể phân ra thành mười mấy loại, nào là mùi cốm mùi cỏ mùi rau; nào là mùi hoa mùi quả, mùi gỗ…
Có bận, ta cùng mấy người bạn ngồi uống trà trên cổng trời Quản Bạ, từng cụm mây lững lờ trôi, mỗi người nhưng một dấu gạch, nối lại đất và trời:
“Nâng chén
thưởng hương
mây quyện” (1)
Hương trà có loại thoảng nhẹ, có loại đậm sâu. Nhưng tựu chung có lẽ hương trà cũng nhẹ như mây trắng bay đầu núi.
Bạn thử tưởng tượng một làn hương tỏa ra từ ấm trà, nhẹ nhàng thoảng bay lên trong một căn phòng, thì chỉ một cái khoát tay của anh chàng đang say sưa trò chuyện, hay một cái nghiêng mình tạo dáng bên hoa của cô gái, cũng làm mùi hương ấy chuyển làn.
Đó là sự ngẫu duyên!
Tất nhiên người thưởng trà có thể nâng chén lên, nghiêng ấm xuống, chủ động động đưa sát cánh trà lên mũi để tận hưởng làn hương.
Đó là sự chủ tình!
Nhớ gói trà năm ấy, người em Thái Quang Đức tặng cho trong một buổi tối ngày rằm, sau chuyến em đi công tác vùng cao. Tôi không biết tên chính xác của phẩm trà này, nhưng mở gói trà ra, nghe mùi hương núi rừng, bao nhiêu kí ức trong những ngày đi chơi trên cánh rừng trà Tây Côn Lĩnh ùa về. Sẵn tiện bút mực, tôi viết lên gói trà mấy chữ:
Lạ mà quen
hương của rừng
ngày ta gặp lại. (2)
Giữa sóng đời bề bộn, đẩy xô muôn ngả, lúc ngồi lại bên bàn trà mang theo cả những trải nghiệm cuộc sống tự vạn nẻo hội tự vào ấm trà kia. Chén trà khi ấy mỗi người uống sẽ quyện hòa cả vào tâm tình riêng của chính mình. Có người khách trà bàn bên, ngửi hương trà, ngắm cảnh trà, nghe chuyện trà lại bồi hồi nhớ quê xưa.
“Khách bàn bên thức trà
hương đưa từ vạn nẻo
đưa ta về cố hương.” (3)
Anh em vẫn gọi đó là uống bằng trải nghiệm riêng. Vị đắng ngọt kia là vị trà quấn lấy tâm tình mà thành.
Uống trà có khi ngồi nơi riêng tư thanh tĩnh, có hương trầm, hoa cúc, có tượng gỗ bình gốm… lại cũng có lúc bỏ dép duỗi chân ngồi bên hiên.
Ngày đầu đầu năm mới, cũng lại là những năm tháng đã qua không còn nhớ chính xác, ngồi bên hiên trà, dưới tán cây bông to, uống một ấm trà sen.
“Nâng chén trà
thưởng hương mùa cũ
môi mềm cánh sen.” (4)
Vâng! Đó là hương của mùa sen năm cũ. Không hẳn chỉ là hương của những hoài niệm, mà thực là “hương mùa sen năm ngoái”.
Ngày đầu năm, khoắc lên mình tấm áo mới, uống chén trà hương xưa, dưới tán cây đã nhiều năm tuổi, và sự sống đang nảy mầm sinh sôi:
“Sớm xuân nay
đo áo vest này
một con sâu nhỏ.” (5)
Ngẫu Thư, một đêm mùa hạ
Những bài thơ từ 1-5 được Ngẫu Thư làm theo thể haiku