Thơ Haiku Việt
logo

Hà Nội,
những ngày mưa gió bão bùng,
ngoài hiên mưa giăng giăng, trời se se tiết lạnh thu về,
chợt,
nhớ đến câu thơ của Trần Xuân Tiến:
“Phố cũ anh về
giấc mơ một thuở
giờ là mưa rơi.”

Viết ra mấy dòng này, không có ý để bình thơ, mà chỉ để chia sẻ những đồng cảm.
Mưa rơi, Nhã Trúc viết:
“Biệt ly không lời
sầu vương khóe mắt
bỗng thành mưa rơi.”

Phố cũ, tôi có:
“Đêm đổi mùa
ngõ xưa
người về bến mới.”



Mỗi người mỗi cảnh, người thì về phố cũ, ta lại qua ngõ xưa, nàng sầu vương khóe mắt. Không hoàn hảo, dở dang, vô thường…nhưng câu thơ không bi lụy, sầu thảm, ngược lại còn gợi nên một vẻ đẹp. Cái vẻ đẹp của sự bất toàn đó được gọi là triết lý wabi sabi.

Vẻ đẹp wabi sabi là đặc trưng của thơ Haiku nói riêng, và của văn hóa Nhật Bản nói chung.
Những ai yêu thích hoặc tìm hiểu nhạc Trịnh, hẳn cũng đang nhận ra điều gì đó khi đọc đến đây. Đúng vậy, ca từ của Trịnh Công Sơn cũng mang đậm triết lý về sự bất toàn, dở dang, vô thường. Ông viết:(...) “Hãy đi đến tận cùng của nỗi tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa.” (...) Nỗi nào, niềm nào cũng vậy thôi, nếu ta tha thiết, trọn vẹn trong những phút giây có nhau, nếu ta thực sự toàn tâm toàn ý toàn trí mà đi tới tận cùng, ta sẽ thấy nó rất đẹp.
Ở một góc khác, một tầm cao khác, ta có thể đặt câu hỏi: phố đó là cũ hay mới?, ngõ này là ngõ xưa hay ngõ nay?, cuộc chia tay ấy là đi hay là đến?
Do duyên cả.
Về duyên, ai đó nói: Duyên khởi, giữa đám đông, ta thấy em. Duyên diệt, ta thấy em, giữa đám đông!
...
Khởi hay diệt, cũ hay mới, đến hay đi?
“Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người.” (**)


Ngẫu Thư, trời vừa sang ngày 21/8/2016
(*) (**) ca từ Trịnh