Tư liệu: BÚT - NGHIÊN - GIẤY - MỰC (Nguyễn Duy Chính)
logo

GIẤY

Ðời xưa, khi nói tới học rộng, người ta thường ví là học hết năm xe sách. Thực ra, cái năm xe mà người Trung Hoa nói tới là năm xe chở những thanh tre, thanh gỗ kết với nhau. Những thanh tre đó có viết chữ và đó là sách của người xưa. Chữ "sách" của người Tàu nay vẫn còn dùng là một tượng hình của loại sách đó. Và nếu thế, năm xe sách có lẽ cũng chỉ bằng vài chục cuốn sách của chúng ta ngày nay. So sánh cái hiểu biết giữa cổ và kim thì thật một trời một vực. Vì thế, phải nói tìm ra cách làm giấy là một phát minh hết sức quan trọng cho việc truyền đạt và lưu trữ kiến thức, Ðông cũng như Tây.

Theo những khai quật ở Hồ Nam đầu thế kỷ này, chúng ta biết rằng chữ viết và thư tịch đã phát triển từ đời nhà Thương hơn 3000 năm trước. Giáp cốt văn là loại chữ đơn giản được khắc và viết trên xương bò, mai rùa. Thời đó, chữ viết chỉ có trong triều đình không phải vì thường dân không được học mà vì việc chế tạo mai rùa hay xương thú để viết chữ rất khó khăn và đắt đỏ, dân chúng không thể thực hiện được.

Học hành chỉ hưng thịnh lên khi người ta biết viết chữ trên các thanh tre vào khoảng thế kỷ thứ 8 trước TL. Thời đó gọi là thời Xuân Thu và sau đó là thời Chiến Quốc, giai đoạn mà rất nhiều triết gia, tư tưởng gia và học giả xuất hiện, một giai đoạn nổi bật trong lịch sử Trung Hoa với nhiều nhân tài lỗi lạc như Khổng Tử, Lão Tử, Mặc Tử, Tuân Tử Sử gọi giai đoạn này là thời kỳ trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng (bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh). Vì lý do chính trị cũng như kinh tế, nhu cầu truyền bá và cạnh tranh, việc viết lách trở nên thiết thực nên việc dùng tre để đóng thành sách đã vượt trội giai đoạn khắc trên xương, trên mai rùa.

Làm được một cuốn sách lúc này mất rất nhiều công. Tre được cắt thành từng phiến đều đặn, cật (tức phần ngoài cùng) được cạo đi rồi đem hong lửa cho chảy mồ hôi (hãn thanh) và ám khói ngõ hầu ít bị mối mọt. Người ta sẽ khắc hay viết bằng bút lông trên các thanh tre này và buộc lại thành sách. Một cuốn sách kiểu đó không những đã cồng kềnh, nặng nề mà lại chẳng viết được bao nhiêu. Chính thế mà cổ nhân viết hết sức cô đọng và hàm súc, lời thật ít mà ý thật nhiều chứ không dài dòng như chúng ta ngày nay.

Tuy nhiên sách viết bằng tre cũng còn quá đắt và tốn công, đa số những nho sĩ không kham nổi. Trong dân chúng người ta viết bằng những thứ thông dụng hơn như lá chuối, hoặc chép lại trên vải, trên tường, trên cánh cửa hay bất cứ chỗ nào có thể được. Nhiều khai quật mới đã tìm thấy những bức tường có viết chữ như một thứ sách trong nhà.

Năm 221 trước Công Nguyên, nhà Tần thống nhất Trung Hoa sau hơn năm trăm năm phân liệt. Tần Thủy Hoàng bãi bỏ chế độ phong kiến, tập trung quyền hành vào chính quyền trung ương. Nhà Tần cũng thống nhất văn tự, các đơn vị cân đo, tiền tệ và thực hiện nhiều công trình qui mô như thủy lợi, đê điều, đường sá, giao thông.

Các đơn vị hành chánh địa phương (thay thế cho các tiểu quốc đời Chu) có trách nhiệm liên lạc, báo cáo với trung ương về tình hình và việc thi hành chính sách. Văn tự vì thế trở thành phương tiện thông tin quan trọng trong việc quản trị đất nước. Sách chép là mỗi ngày vua Tần phải đọc khoảng hàng trăm cân công văn (viết trên tre) và đọc chưa xong thì chưa đi nghỉ. Có thể trăm cân cũng chỉ chừng năm, bảy mươi trang ngày nay nhưng đối với thời đại đó là một việc hiếm hoi.

Tuy đời Tần người Tàu chưa làm được giấy nhưng việc thống nhất tổ chức hành chánh, chữ viết và phương pháp tập quyền là một trong những động lực chính yếu dẫn đến việc phát minh ra giấy đời Hán sau này.

Theo sách vở, Thái Luân, một hoạn quan đời Ðông Hán là người đã phát minh ra giấy. Bút Mông Ðiềm, giấy Thái Luân là câu tục ngữ của người Tàu (Ðiềm bút Luân chỉ). Theo "Chỉ Phổ", sau khi dùng tre, người ta đã có thời dùng lụa làm giấy viết. Tuy nhiên, lụa quá đắt mà tre thì nặng nề, không tiện mang đi lại. Tới đời Hòa Ðế nhà Hậu Hán, Thái Luân cải cách việc chế tạo và coi như thủy tổ nghề làm giấy.

Hậu Hán Thư chép là Thái Luân nghĩ tới việc dùng vỏ cây, đay, vải và lưới cá để làm giấy và sau cùng tìm ra cách làm giấy bằng các loại cây có sợi. Năm 105 sau TL, ông đã tâu lên vua việc ông làm và được nhà vua tưởng thưởng. Thế nhưng đó chỉ là truyền thuyết và thực tế, giấy đã có trước đời Thái Luân. Trong những cổ mộ và khai quật đời Tây Hán đã thấy có những mảnh giấy và người ta cho rằng chính từ nghề dệt đã sinh ra nghề làm giấy.

Sau khi lấy tơ, những bã còn lại của cái kén được nấu lại và giã cho tơi. Sau khi rửa sạch, những bã này được phơi trên những khung tre để làm vật liệu độn áo bông, hoặc may làm chăn vì ấm và nhẹ. Tuy nhiên, trên những sườn tre đó vẫn còn môt lớp sợi mỏng và người ta đã bóc ra để làm giấy viết. Chính vì thế mà chữ "chỉ" là giấy một bên có bộ mịch (là tơ). Việc dùng những bã của tơ sợi để làm giấy cũng không giải quyết được vấn đề vì số lượng còn quá ít, giá lại cao. Thành thử, người ta nghĩ đến việc tìm kiếm những loại cây có thớ sợi khác để dùng vào việc chế tạo giấy. Những mảnh giấy tìm thấy trong các cổ mộ đời Hán thấy làm bằng sợi gai.

Tuy Thái Luân chưa hẳn đã là người chế tạo ra giấy nhưng chắc chắn ông ta đóng góp không nhỏ trong việc hoàn chỉnh công trình này. Ông đã thử dùng nhiều loại cây có sợi đồng thời tìm cách cải tiến cho được nhanh. Trước đây người ta chỉ ngâm nước cho mục, nay ông đem cho vào cối, dùng chày giã. Tiếp theo những cố gắng của ông, chỉ trong vòng hai, ba trăm năm sau đời Hán, giấy đã được chế tạo một cách qui mô và có hệ thống hơn. Người ta cải cách việc hong giấy cho khô, và chú trọng đến phẩm chất của giấy bản, vừa làm sao cho dễ thấm nước, đồng thời lại bền chắc và không bị hủ nát theo thời gian. Người ta dùng vỏ cây dâu để làm giấy, lại tìm cách nhuộm màu. Một số những bút thiếp theo lối của Vương Hi Chi còn giữ được đến ngày nay cho thấy thời Hán đã chế tạo được những loại giấy có phẩm chất cao.

Tới đời Ðường, khi người ta nghĩ ra được phương pháp in thạch bản thì nhu cầu về giấy tăng vọt lên. Và tới đời Tống, khi việc học hành và thi cử đã thịnh hành thì nghề làm giấy đã lên tới một mức đáng kể về cả phẩm lẫn lượng. Người Tàu phải tìm những loại nguyên liệu dễ kiếm và tre lại được dùng một cách rộng rãi và trong suốt một nghìn năm sau, kỹ thuật làm giấy không thay đổi mấy. Cũng nên biết rằng chính Âu châu cũng nhập cảng phương pháp làm giấy của Trung Hoa để thay thế những thạch bản, hay miếng da mà thời cổ họ thường dùng. Người Pháp học được cách làm giấy từ người Ả rập mà người Ả rập thì do những tù binh Trung Hoa họ bắt được khi giao tranh với quân nhà Ðường (751 TL).

Về phẩm, giấy do người Tàu chế tạo cũng cao hơn Tây phương. Nhiều cuốn sách từ đời Tống tới ngày nay vẫn còn tốt, không bị dòn gẫy. Giấy của vùng Tuyên thành, An Huy (Tuyên chỉ) đã được coi như loại giấy lý tưởng cho những người học thư pháp. Hiện nay, tại Ðài Loan vẫn còn một số xưởng chế tạo giấy theo phương pháp cổ truyền để làm riêng cho thư pháp gia và những người ưa chuộng. Vật liệu là vỏ cây dâu và cây dó (wikstroemia canescens) nhập cảng từ các nước Ðông Nam Á 6 . Tùy theo màu sắc, trọng lượng, dày mỏng và chất liệu mà có những loại giấy được đặt tên khác nhau như Bạch Nga, Quan Âm, Thanh Vân, Bạch Ngọc, Thiền Diệp, Băng Tuyết, Lục Hạnh

Tại Việt Nam, từ thế kỷ thứ 13 chúng ta cũng đã có kỹ nghệ làm giấy mặc dầu ngay từ thời bắt đầu tự chủ (thế kỷ thứ 11) triều đình đã mở khoa thi và chắc chắn các nho sinh đã dùng giấy để viết 7 . Ở ngoại ô Hà Nội, làng Yên Thái (tức làng Bưởi) có nghề làm giấy từ thời nhà Lê. Thành thử một thi sĩ cận đại là Dương Khuê đã hạ bút:

Phất phơ cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.


Chày Yên Thái tức tiếng chày giã vỏ cây để làm giấy. Dư Ðịa Chí của Nguyễn Trãi đã nói tới nghề làm giấy và vào thế kỷ thứ 18, Lê Quí Ðôn cũng viết rất chi tiết về phương pháp chế tạo giấy của Việt Nam. Giấy của ta làm bằng vỏ cây dó, một loại cây có lá hình bầu dục dài, mặt dưới có lông ngắn, hoa trắng 8 , trồng nhiều tại vùng thượng du Yên Bái, Phú Thọ. 9

Bài viết liên quan