Tư liệu: BÚT - NGHIÊN - GIẤY MỰC (Nguyễn Duy Chính)
logo

Phần 1:



Thời thượng cổ, người Trung Hoa ghi lại những điều cần nhớ bằng cách thắt nút dây (kết thằng) hay vạch trên gỗ. Khoảng bốn nghìn năm trước, họ bắt đầu dùng vạch để tượng trưng cho một số những gì mắt thấy tai nghe. Phương pháp dùng hình vẽ diễn tả đời sống được gọi là phép tượng hình (pictograph) và dần dần được phát triển để thành chữ viết.
Theo những nhà nghiên cứu thì văn tự Trung Hoa không phải là phép tượng hình lâu đời nhất của nhân loại. Nhiều dân tộc khác, chẳng hạn như Ai Cập cũng dùng hình vẽ để mô tả sự việc trước người Trung Hoa cả mấy trăm năm. Thế nhưng chữ Tàu là thứ chữ tượng hình gần như duy nhất còn tồn tại và sử dụng đến ngày nay. Và quan trọng hơn hết, chữ viết của họ lại chuyên chở một phần lớn sinh hoạt, vũ trụ quan cũng như nhân sinh quan của họ. Phép viết chữ, phép hội họa, nội dung và ý nghĩa toàn cục kết thành một khối không thể tách rời, luôn luôn là một biểu tượng chính xác cho tác giả của nó.

Người Trung Hoa gọi bút, giấy, mực, nghiên là văn phòng tứ bảo nghĩa là bốn món đồ quí của chốn làm văn, trung gian chuyên chở ngôn ngữ, ý nghĩa và nghệ thuật. Người Tàu đã chế tạo được giấy từ hai nghìn năm và đến thế kỷ thứ 16, khi ngành in đã tương đối phát triển thì sách vở của họ tính ra tổng số nhiều hơn toàn thế giới gom lại. Khi Âu Châu vẫn còn chưa có một hệ thống văn tự thì cung đình nước Tàu đã có được một tàng thơ các chứa đến 50,000 quyển sách. Từ thế kỷ thứ 6, người Trung Hoa đã có một hệ thống giáo dục và thi cử để tuyển dụng nhân tài thay thế cho hình thức đề bạt, tiến cử1

Michael H. Hart trong tác phẩm "Một Trăm Nhân Vật Có Ảnh Hưởng Nhất Trong Lịch Sử " 2 đã coi việc tìm ra cách chế tạo giấy còn quan trọng hơn việc phát minh ra ngành in vì nếu không có giấy thì ngành này cũng vô ích. Trước khi tìm ra cách làm giấy, nhân loại muốn ghi chép gì đều phải dùng những phương tiện sẵn có trong thiên nhiên, chẳng hạn như những phiến đất nung cứng , vỏ cây đập dập, dệt thành vải (Thái Bình Dương), lá cây (kinh Phật ở Ấn Ðộ và Ðông Nam Á), hay cây papyrus hoặc da thú. Phương thức đó vừa nhiêu khê, vừa giới hạn và chúng ta ngày hôm nay không tìm biết được những sinh hoạt thời cổ một phần lớn cũng vì không có dấu tích gì được người xưa lưu truyền lại và mọi sự đều phải trông mong vào phương pháp và suy luận của những nhà khảo cổ dựa trên di chỉ và những đồ khai quật.

Thành ra, người Tàu vẫn tự hào rằng họ là quốc gia có một nên văn minh phát triển sớm hơn nhiều dân tộc khác chính là nhờ họ có một hệ thống văn tự và những phương tiện để ghi chép lại tư tưởng và lịch sử. Tứ bảo của họ không phải là những gì cầu kỳ mà khởi nguyên của nó rất tầm thường giản dị. Giản phác và hòa hợp với thiên nhiên thích hợp với tinh thần vô vi của Lão giáo. Cây bút chẳng qua chỉ là một chùm lông súc vật gắn vào một đoạn trúc, thanh mực là than trộn với keo, giấy chỉ là bột cây trải mỏng và nghiên là một cục đá nhặt từ bờ sông, bờ suối được gọt đẽo. Mọi thứ đều sẵn sàng trong trời đất nên đâu đâu cũng có thể học và vùng nào cũng sản sinh được danh nho. Tuy về sau người ta trở nên kén chọn và phân định chi li phẩm loại cho tứ bảo nhưng không phải vì thế mà vật xoàng sĩnh có thể làm trở ngại cho nghệ thuật. Hoài Tố, một danh gia đời Ðường một lần nổi hứng mà không có bút đã nhổ một nắm tóc mình, nhúng vào mực để viết chữ. Vậy mà nghệ thuật được coi là hết sức giản dị ấy theo thời gian đã trở thành hết sức uyên áo, cao thâm. Và hơn thế nữa, con người nghệ thuật luôn luôn đóng vai trò chủ yếu trong việc hoàn thành tác phẩm. Dụng cụ chỉ là thứ yếu. Nếu không có tài thì dù trong tay có những món đồ quí giá nhất cũng vẫn vụng về khó coi. Sau đây là một đoạn cũa Kim Dung trong Lộc Ðỉnh Ký:

Phủ bá tước đó vốn do Khang Thân Vương tặng cho, trong phòng đọc sách treo đầy thư họa, trên bàn viết cũng bày biện không thiếu bút nghiên. Vi Tiểu Bảo vốn tính hay đánh bạc, sợ xui, thấy hai chữ thư và thua cùng âm, nên cái gọi là "thâu phòng" (phòng thua) ấy không bao giờ bén mảng. Lúc này, y tiến vào phòng ngồi xuống ghế, hét đầy tớ: "Mài mực !".

Bá tước đại nhân xưa nay không hề cầm bút viết chữ nên gã thư đồng hơi sợ, lấy làm cảm phục đem hết tinh thần, mang ngay một chiếc nghiên cổ làm bằng đá tía chạm hình rồng cuốn vốn là của Vương Hi Chi trước đây dùng, đổ nước vào. Lại lấy một thỏi mực thơm dùng dở của Chử Toại Lương đời Ðường để lại, giữ vững cổ tay, vận sức ra năm ngón, ngưng khí mài một vũng mực thật đặc. Từ ống bút lấy ra một quản bút cực phẩm do Triệu Mạnh Phủ ở Hồ Châu chế tạo, trải ra một cuộn giấy Kim Hoa Ngọc Bản làm riêng cho vua Tống Huy Tông, lại đốt một đỉnh long não xạ hương mà thời xưa Vệ đại phu vẫn dùng khi viết chữ, cung kính chờ Bá tước đại nhân hạ bút. Phong vị đó thật đúng là:

Chung Vương Âu Chử Nhan Liễu Triệu
Ðều chẳng ai bằng Vi Tiểu Bảo

Vi Tiểu Bảo tay cong cong như hình hổ trảo, ngón tay lại uốn éo như kiểu cầm nã thủ, cầm bút lên chấm một ngòi thật đậm, nghe cái bẹt, một giọt mực to đã rơi xuống, làm bẩn cả trương giấy hoa tiên Kim Hoa Ngọc Bản.

Gã đầy tớ nghĩ thầm:
Hóa ra Bá Tước đại nhân không viết chữ mà theo lối "bát mặc" (vẩy mực) để vẽ theo cách của Lương Khải.

Lại thấy y từ phía bên trái của giọt mực sổ xuống một vạch, vẽ thành một hình loằng ngoằng như cái cành cây. Phía bên trái cái cành cây y lại nhẹ nhàng chấm thêm một cái, trông mạnh tựa như lối vẽ của Lý Tư Huấn Bắc Tông, lại na ná phiêu hốt như kiểu Vương Ma Cật của Nam Tông, thật là gồm thâu sở trường của cả hai phái.

Gã đầy tớ vốn hầu hạ chốn thư phòng, trong bụng cũng có đôi chút chữ nghĩa, toan buột miệng khen, bỗng nghe Bá Tưóc đại nhân hỏi:
Chữ "tiểu" ta viết có đẹp không ?

Giật nảy mình, y mới hay là Bá Tước đại nhân viết chữ tiểu, vội vàng hết lời khen ngợi:
Thư pháp của đại nhân, bút viết từ phải sang trái, s
áng tạo ra một trường phái mới, quả là thiên túng kỳ tài. 3


Nhiều người bảo là phương pháp viết vẽ của người Trung Hoa tiềm ẩn đạo sống của họ, là một liên kết giữa truyền thống và nghi thức. Thành thử văn phòng tứ bảo không phải là những vật dụng tầm thường mà là trung gian để con người đem tâm hồn mình hòa cùng trời đất.

BÚT

Cây bút lông mà người Trung Hoa dùng để viết chữ khác hẳn với những loại bút khác, kể cả bút vẽ của họa sĩ vì bút lông đặc biệt thích hợp cho việc viết chữ Tàu. Bút lông vừa là một bút vẽ của họa gia, lại vừa dùng trong thư pháp mà cũng dùng để viết chữ thường nhật, trong công văn, thư từ. Nếu ai từng vào thư phòng của một nho sĩ sẽ thấy trong đó có nhiều loại bút, to nhỏ và làm bằng nhiều loại lông thú khác nhau. Mỗi loại có những công dụng tùy nhu cầu.

Ở bên Tàu ngày xưa gắn liền hai khả năng văn hay và chữ tốt nên tứ đại nho đời Tống đều là những thư pháp gia lỗi lạc. Vì chiếc bút lông ảnh hưởng đến văn chương như thế, nó đã được cùng với nghiên, mực và giấy thành một bộ tư mà người ta gọi là "văn phòng tứ bảo". Trong bốn món này, quản bút có đời sống ngắn ngủi nhất. Giấy mực có thể tồn tại lưu truyền nhiều đời như một bảo vật, nghiên cũng có thể giữ được hàng trăm năm. Ngược lại, bút lông dù bảo trì đến thế nào thì một thời gian cũng tòe, cũng mòn, nhưng chính nó lại đóng vai trò quan trọng nhất trong thư pháp. Giấy xấu mực tồi có thể khiến cho bức viết khó lưu giữ, nghiên kém phẩm chất khiến việc mài mực mất công hơn còn bút dở thì dù người viết có tài thế nào cũng khó mà thi triển khả năng, cũng như đàn lên dây không đúng thì người nhạc sĩ không sao trình tấu cho hay được. Vì thế, một thư pháp gia bao giờ cũng coi bút tốt hàng đầu trước khi lo đến ba thứ kia.

Tuy bút lông đã dùng hàng ngàn năm trước, không ai biết chắc là nó từ đâu ra. Theo truyền thuyết, người ta vẫn bảo là do tướng Mông Ðiềm đời Tần (thế kỷ thứ 3 trước TL) sáng tạo. Mông Ðiềm là vị tướng Tần Thủy Hoàng sai trấn giữ mạn bắc chống rợ Hung Nô và xây Vạn Lý Trường Thành. Từ những di chỉ mà ngành khảo cổ mới khai quật được thì bút lông có thể đã xuất hiện trước đời Tần rất lâu. Phân tích những nét vẽ trên các đồ gốm tìm thấy ở Hà Nam mà niên đại khoảng 6000 năm trước (4000 năm trước TL), các học giả cho rằng đã được vẽ bằng một loại bút lông. Tại một mảnh sành đào được ở kinh đô cũ nhà Thương, nay là huyện An Dương có một chữ sơ (nguyên nghĩa là tế tự) nét dày mỏng rõ ràng viết bằng bút lông. Niên đại mảnh gốm này vào khoảng 3500 trước (1500 trước TL). Cũng vào thời kỳ đó, chữ "bút" trên các mảnh xương (giáp cốt văn) vẽ hình một bàn tay cầm quản bút mà đầu dưới to hơn đầu trên dạng như bút lông. Nhiều chữ "bút" tìm thấy trên các mảnh xương hay mai rùa dùng trong triều đình nhà Thương vào việc tế tự, bói toán cũng giống như thế. Còn ở trên những thanh tre và lụa ở thời chưa chế tạo được giấy cũng được viết bằng bút lông. Ðến đời Tần, khi văn tự được thống nhất thì việc dùng bút lông đã thịnh hành. Tre là vật liệu thông dụng nhất để làm quản bút, đến thời này người ta thêm bộ trúc trên đầu chữ bút. Chữ bút đó giống như chữ bút viết theo thể triện ngày nay.

Các nhà khảo cổ cũng không biết chắc thời đó bút dài ngắn ra sao và chòm lông thú vật được chế tạo như thế nào vì chưng những vật liệu này không tồn tại được lâu như xương hoặc sành sứ. Năm 1931 người ta đào được một quản bút gỗ thời Tây Hán (206 TTL - 24 STL). Mãi đến năm 1954, tại Trường Sa (Hồ Nam) khi khai quật một ngôi mộ cổ thời Chiến Quốc (475 - 221 trước TL) người ta mới tìm được một cây bút còn nguyên vẹn. Quản bút bằng tre, dài 18.5 cm, đường kính 0.4 cm được đặt trong một hộp bằng tre và lâu khoảng 2400 năm. Chùm lông làm bằng lông thỏ mịn. So sánh với các loại bút về sau này thì bút này mảnh hơn, đầu bút cũng ngắn hơn. Có lẽ là vì thời đó người ta dùng bút viết trên những thanh tre và những thanh tre chỉ khoảng chừng 1cm bề ngang nên bút cũng phải nhỏ. Thế nhưng nhìn chung thì chẳng khác gì những cây bút ngày nay bao nhiêu.

Theo thời gian cây bút lông có thay đổi ít nhiều nhưng tựu trung chỉ nhằm làm sao cho ngòi bút được tinh xảo hơn và gắn vào quản bút cho chắc chắn, khéo léo hơn. Ngoài trúc, người ta cũng dùng nhiều loại vật liệu khác như gỗ, ngà, ngọc và cả kim loại như đồng, sắt, vàng, bạc. Trong viện bảo tàng Trung Hoa hiện còn tàng trữ nhiều bút cổ bằng sơn mài, ngà, sừng điêu khắc tỉ mỉ, công phu là những đồ ngự dụng đời Thanh, đời Minh. Ðối với một thư pháp gia, cây bút là một dụng cụ rất tinh áo. Có nhiều qui luật chặt chẽ từ cách cầm đến cách sử dụng. Chọn một quản bút hảo hạng là việc đầu tiên của tập luyện viết chữ. Ngoài ra còn phải tạo được một khung cảnh thích hợp, ánh sáng, tư thế đứng ngồi, và cách tập trung tinh thần, cách thở. Nói chung viết chữ không phải là một kỹ thuật mà là một nghệ thuật, hay hơn nữa là một nghi thức.

Quản bút phải cầm sao cho thẳng, ngón cái và ngón trỏ cầm cán, bút đè vào đốt ngón tay ngoài cùng của hai ngón trỏ và giữa. Các ngón tay khum khum làm sao để có thể để được một quả trứng trong lòng bàn tay. Tay cầm bút phải chặt và thầy giáo thường thử bằng cách bất ngờ giựt thử khi học trò sơ ý xem có tuột khỏi tay không.

Thoạt tiên, thư pháp gia nhúng ngòi bút vào nghiên mực, rồi vuốt nhẹ ra khỏi đĩa mực, vừa vuốt vừa hơi xoay để cho mực khỏi đọng quá nhiều. Người viết tập trung tinh thần để nhìn bằng óc tất cả hình ảnh định viết trước khi hạ bút. Khi ngòi bút vừa đụng vào giấy là phải di chuyển ngay. Những nét dọc ngang đó đã được truyền từ đời này sang đời khác theo một phép tắc riêng, không thể vi phạm mà nhà nho gọi là "trái cựa". Chỉ khi nào đã lên hàng danh sư mới có thể sáng tạo lối riêng cho mình.

Một điều đáng nói là viết chữ Tàu không được sửa. Chấm bút xuống thế nào là cứ để nguyên thế và nếu viết hỏng thì chỉ có cách bỏ đi chứ không thể sửa hay dặm lại. Có ba loại bút, cỡ nhỏ cỡ trung và cỡ lớn. Ngoài ra còn một số bút chế riêng thật to để viết đại tự hoặc câu đối trông hình như cái chổi quét nhà gọi là đẩu bút. Một nguyên tắc chung là bút lớn có thể dùng viết chữ nhỏ hơn nhưng người ta không dùng bút nhỏ để viết chữ lớn. Dẫu sao, mỗi loại chữ phải dùng một kiểu riêng nên thư pháp gia rất kén chọn khi dùng bút.

Quan trọng nhất của một cây bút vẫn là ngòi bút, làm bằng lông thú. Hầu như người ta dùng đủ loại, nhưng lông chồn, thỏ, dê, khỉ, heo, sóc, mèo là những loại phổ thông hơn cả. Vương Hi Chi dùng lông râu chuột để viết. Mễ Phế (Mi Fei) có lần dùng cả cây mía để thử. Tuy có thể dùng nhiều loại vật liệu làm ngòi bút nhưng vì không thuận tiện, chẳng hạn lông chim không hút mực, râu chuột khó kiếm nên hiện nay người ta thường chỉ dùng lông chồn, lông thỏ, lông dê là những loại dễ kiếm và thích hợp.

Một loại bút đặc biệt là bút bằng tre non, một đầu được đập mềm rồi dùng dao chải thành những cọng mảnh như lông. Bút này thường dùng để viết kiểu chữ lệ. Một loại bút đặc biệt khác có tên là "thai bút" vì dùng tóc cắt ra lần đầu tiên của một hài nhi. Kiểu này nay vẫn còn nhưng thường dùng làm kỷ vật hơn là sử dụng hàng ngày. Thân bút thường có khắc tên họ và ngày sinh của đứa trẻ.

Khi viết chữ Tàu, khởi đầu và kết thúc một chữ đều là một điểm nhỏ nên ngòi bút phải có tính đàn hồi để làm sao trở về nguyên trạng thật nhanh. Một lần chấm mực viết được nhiều chữ và mỗi chữ đều phải sắc như nhau. Khi tì bút xuống thành một nét đậm nhưng nhắc bút lên thì đầu bút phải thu lại ngay để nét chữ được dày mỏng và ngay trong một chữ cũng đã có chỗ dày mỏng khác nhau. Ðó chính là chỗ ảo diệu và nghệ thuật của viết chữ Tàu.

Bút đầu mềm thích hợp cho việc viết chữ nét to, mập mạp như kiểu viết của Nhan Chân Khanh (Yan Zhenqing) còn đầu viết cứng dùng để viết chữ loại mạnh và gầy, có gân như kiểu viết của Liễu Công Quyền (Liu Kungch'uan) đời Ðường. Thế nhưng không phải ai ai cũng theo hoặc Nhan thể, hoặc Liễu thể mà tùy trường hợp mỗi người một kiểu. Cho nên cũng có khi họ đặt làm riêng những loại bút đặc biệt, trộn nhiều loại lông thú cho vừa với lối viết của mình.

Các loại bút hiện nay trên thị trường, nếu làm bằng lông dê thì mềm, còn lông chồn thì cứng hơn. Riêng bút lông dê có đến 32 hạng khác nhau, tùy theo lông trên bộ phận nào của con vật. Người ta chia làm ba loại lông khác nhau : lông dê (dương hào) lông sói (lang hào), và lông tía (tử hào). Lông gọi là lang hào chẳng qua chỉ là lông chồn chứ không phải thật lông chó sói và tử hào chính là lông thỏ. Lông dê mềm dẻo và dễ hút mực, còn lông thỏ thường dùng viết nét mạnh và to, dùng trong thư pháp.

Thế nhưng kiếm được lông thú đúng tiêu chuẩn chỉ mới là bước đầu vì tài nghệ của người thợ cũng không kém phần quan trọng. Cho đến ngày nay, bút lông vẫn chủ yếu là một công việc bằng tay và phải qua một quá trình phức tạp. Chính thế mà những thư pháp gia vẫn phải bỏ những khoản tiền khá lớn để mua bút tốt do những người thợ nổi tiếng chế tạo. Những loại bút tốt nhất của Trung Hoa là bút làm ở Tuyên Châu, tỉnh An Huy. Bút Tuyên Châu làm bằng lông thỏ loại cực phẩm, trước đây vẫn thường là đồ tiến cung.

Nghề làm bút cũng là một nghề gia truyền từ đời nọ sang đời kia. Lông làm ngòi bút đã đành mà quản bút người ta cũng kén. Trúc là loại thông dụng và tiện lợi nhất vì có đủ loại, đủ cỡ, lại được trồng khắp nơi, trừ những vùng cực bắc Trung Hoa và nhất là rất rẻ. Thế nhưng trúc cũng có nhiều giống và phải lựa giống trúc không nứt, không bị cong vì thời tiết thay đổi. Tuy ngày nay ít loại quản bút làm bằng vật liệu khác nhưng trước đây thợ dùng đủ loại tùy theo khách đặt hàng. Có cả những quản bút làm bằng sơn mài hay khảm xà cừ hoặc khảm bạc, khảm vàng. Nhiều quản bút bằng ngà được trạm trổ rất nghệ thuật. Bút tre vẫn tốt hơn cả vì nhẹ và nhất là cân, người viết không phải vận sức để truyền xuống ngòi bút khiến cho nét bút được khoái hoạt hơn. Bút thường có một nắp bút cùng loại. Hiện nay, giá trên thị trường tùy loại bút, tùy cỡ bút mà giá cả có thể từ vài đồng đến vài chục, vài trăm. Tuy nhiên giá cả chưa hẳn đã nói lên giá trị thực của cây bút.

Trong bốn bảo cụ của nhà nho, bút đứng đầu vì không có bút tốt thì khó mà thi triển tài năng. Chính thế mà ngưòi Tàu vẫn bảo rằng "mặc áo cũ nhưng phải dùng bút mới".

 

Còn tiếp...

Phần 2: NGHIÊN

Bài viết liên quan

TIN MỚI NHẤT

Không gian thầy đồ - Văn Miếu Quốc Tử Giám

Không gian thầy đồ - Văn Miếu Quốc Tử Giám

TỪ MÁI TRANH LÀNG CŨ ĐẾN GÁC KHUÊ VĂN GẶP
Thư pháp từ những niềm vui nhỏ - Thùy Lân

Thư pháp từ những niềm vui nhỏ - Thùy Lân

Trước khi đến với lớp học thư pháp, em từng