Tư liệu: BÚT - NGHIÊN - GIẤY MỰC (Nguyễn Duy Chính)  Phần 2: NGHIÊN
logo

NGHIÊN


Hơn hai mươi năm trước, tôi vô tình mua được trên vỉa hè Lê Lợi một tập sách mỏng. Ðó là một cuốn truyện ngắn của nhà văn Hư Chu có nhan đề Thơ, Nghiên, Hoa, Mộng. Như tựa đề, cả thảy chỉ có bốn truyện mà mỗi đoản văn về một đề tài. Trong bốn truyện ngắn, tôi thấy truyện Nghiên là thú vị nhất.
Truyện kể về một viên quan huyện cố công cưỡng đoạt của một gia đình trong hạt của y một chiếc nghiên cổ để đem lên dâng thượng quan mong thăng tiến trên hoạn lộ. Khi đoạt được chiếc nghiên, y lại tính xa hơn, nghĩ nếu chỉ đem biếu viên Tổng Ðốc sở tại thì phí quá vì nếu đem dâng lên viên Kinh Lược Bắc Kỳ (cũng là một người ưa thi mặc) chắc sẽ đắc thể hơn. Vì thế y mới lấy chiếc nghiên y vẫn thường dùng vốn là nghiên của gia đình y đem nạp lên thượng ty.

Y chùi rửa sạch sẽ, đóng một cái hộp thật đẹp chắc mẩm không ai có thể ngờ được chuyện y đánh tráo chiếc nghiên. Cùng lúc y ở dinh Tổng Ðốc thì cũng có một thầy địa lý Tàu được mời đến để xem đất cho gia đình nhà quan. Ông thầy Tàu cũng là người am tường cổ vật nên viên quan nhân tiện nhờ coi dùm chiếc nghiên xem có thực là đồ quí không. Sau khi xem kỹ, hóa ra chiếc nghiên là của Mễ Phế đời Tống chế tạo, quí giá vô ngần, gấp bội chiếc nghiên viên quan huyện dấu đi ở nhà.

Câu chuyện rất thú vị vì ngoài tình tiết li kỳ, lại có chút hóm hỉnh, lần đầu tiên tôi được biết đến mặc trì, khoái, mạn là những từ cổ nhân dùng để nói về nghiên. Mễ Phế, tự Nguyên Chương là một thi, họa gia nổi tiếng, lại chuyên về đá làm nghiên, viết bài Bái Thạch Vi Huynh phú (nhận đá làm anh), người đời vẫn gọi ông là ông Mễ điên.

Nghiên mực thực ra chỉ là một cục đá, loại đá mài mịn được đẽo gọt để vừa dùng mài mực mà vừa dùng để đựng mực. Thành ra bao giờ bên cạnh một mặt phẳng cũng có một chỗ lõm cho mực chảy xuống. Chỗ đó gọi là mặc trì (ao mực) vừa dùng để chấm mực, vừa vuốt bút cho mực khỏi đọng quá nhiều. Một chiếc nghiên tốt bao giờ mài cũng trơn và không nghe tiếng kêu.

Quả thực trong văn phòng tứ bảo, chỉ có nghiên là có thể tồn tại lâu hơn cả. Chiếc nghiên đầu tiên còn ghi lại trong Tây Thanh Nghiên Phổ là Bích Thủy Noãn của Vương Khâm đời Ðông Tấn (500 TTL) . Một chiếc nghiên cổ khác có tên là Ngọc Lan Ðường cũng vào thời này. Thế nhưng đó chỉ là những cổ vật danh tiếng được ghi lại chính thức, giấy trắng mực đen. Những nhà khảo cổ hiện nay còn tìm được những cổ nghiên lâu hơn thế nhiều. Năm 1975, tại một mộ cổ vùng Hồ Bắc tìm được một nghiên cổ đời Tần có khoảng 2,200 năm trước. Năm 1980, một nghiên cổ đến 5000 năm tìm thấy tại Tây An, Thiểm Tây, có cả một số mực hạt, một bát sứ đựng nước mài mực.

Trước đời Ðường, đa số nghiên làm bằng sứ, gạch hay đất nung. Tuy có một số nổi tiếng như Thanh Châu, Giáng Châu nhưng không tốt, người sau không mấy ai để ý tới những loại nghiên này. Thời đó, nghiên thường trông như một miếng ngói đặt úp, có một chỗ trũng để mài mực và được nung bằng một nhiệt độ cao hơn sành sứ thường.

Nghiên tốt phải có hai đặc tính. Thứ nhất là chất liệu phải mịn, chắc chắn nhưng ẩm và nhẵn. Thứ hai là phải trơn để khỏi làm mòn bút và mực không đọng trên mặt nghiên. Trong các loại đá để làm nghiên, chỉ có Hấp Thạch và Ðoan Thạch có được cả hai ưu điểm này. Thế nhưng kỹ hơn nữa thì Hấp Thạch không tốt bằng Ðoan Thạch và vì thế nếu nói tới nghiên người ta cho rằng Ðoan Nghiên là quí nhất, Hấp Nghiên đứng thứ hai.

Ðoan thạch là loại đá lấy từ huyện Cao Yếu vùng Ðoan Châu, ngày nay thuộc về phủ Triệu Khánh, tỉnh Quảng Ðông. Ở phía đông cách tỉnh lỵ chừng 30 dặm có một cái vực tên là Linh Dương, sâu đến vài chục thước, nước chảy xiết. Con suối đó tên là Ðoan Khê hợp nước từ các ngọn núi Phủ Kha, Trà Viên, Tướng Quân chảy dồn lại. Hầu như tất cả các loại đá tại vực Linh Dương đều có thể dùng làm nghiên, mỗi một tầng lại có những đặc tính riêng. Tầng dưới cùng là đá tốt nhất vì ngâm nước lâu năm nên làm nghiên không hút mực.

Ngay từ đời Ðường người ta đã khai thác đá ở Ðoan Khê và đến đời Tống thì trở nên rất qui mô. Có đến hơn 70 mỏ đá làm nghiên vào thời kỳ đó. Nghiên Ðoan Khê mịn mặt nhưng đủ nhám để mài mực nhanh và thường có màu tím xanh cho tới tím đen. Cũng có nghiên vân đỏ, vân cam, vân trắng càng thêm mỹ thuật và giá trị. Quí nhất là nghiên có "mắt" (hình giống con mắt, chữ trong ngành gọi là cù dục nhãn tức là mắt con yểng, con nhồng) màu xanh hay màu cam mà người thợ thường cố gò cho những vân đó vào hình thể điêu khắc trên chiếc nghiên.

Không phải cứ đá có vân đẹp là có thể làm nghiên vì nghiên mực quan trọng ở thực tế có hữu dụng hay không chứ không phải mỹ thuật. Mễ Phế viết trong Nghiên Sử là chỉ mười ba nơi trên nước Tàu có đá làm nghiên được thôi. Chính vì kiếm được một tảng đá để làm nghiên khó khăn như thế nên người ta biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật bằng cách trạm trổ, điêu khắc. Và coi trọng cái nghiên thì những thứ khác cũng trở nên cầu kỳ, kén chọn. Vua Huyền Tông ưa chuộng những loại đá có vân, nhất là có hình vảy như vảy rồng. Cũng chính từ thời này mà bốn món bút, nghiên, giấy, mực mới được mệnh danh là văn phòng tứ bảo. Ðoan châu, Hấp châu, Thanh châu là những nơi sản xuất nhiều nghiên nổi tiếng cho đến tận bây giờ.

Hấp nghiên là nghiên làm bằng đá ở Hấp châu, lấy từ rặng núi Long Vĩ (La Văn sơn) nằm giữa huyện Vụ Nguyên ngày nay với ranh giới Giang Tây - An Huy. Dưới chân núi là suối Phù Dung, có nhiều hang động. Ðá vùng này thuộc loại đất sét (argillite), có độ cứng và độ nhuyễn cao hơn đá ở Ðoan Khê. Khi gõ, tiếng nghe như khánh. Núi Long Vĩ rộng lớn nên đá tại đây cũng có nhiều loại khác nhau 4 . Ở trên cao, đá màu đen, ở lưng chừng sắc nhạt hơn, dưới cùng là loại nê tương dùng làm nghiên rất tốt. Ðá có tia màu vàng (kim tinh) là quí nhất. Ðá cũng có nhiều vân khác nhau. Xem thớ đá cũng có nhiều loại, mỗi loại một phẩm chất5 Vì người ta theo vân và thớ mà đặt tên nên Hấp châu có nhiều nghiên quí truyền lại đời sau.Thời Nam Ðường, nghiên Long Vĩ, cùng với giấy Trừng Tâm Ðường và mực Lý Ðình Khuê là ba món nổi danh được người người ưa chuộng.

Người Tàu bắt đầu khai thác đá từ đời Ðường tới cuối đời Tống mới chấm dứt. Nghiên Phổ của Tô Dị Giản (Tống) viết: Nay trong núi ở Hấp Châu có đá, tục gọi là đá Long Vĩ, người ta đem đục thành nghiên, sắc đen, đứng thứ hai sau Ðoan thạch. Hấp Châu Nghiên phổ của Ðường Tích cũng viết: Nghiên Vụ Nguyên bắt đầu có từ thời nhà Ðường. Người thợ săn họ Diệp đuổi theo thú đến thấy đá như bức tường, sắc rực rỡ nên nhặt mấy cục đem về tạc thành nghiên, đá mịn hơn cả Ðoan Khê. Con cháu nhà họ Diệp sau mướn thợ về đục lại thành nghiên để truyền làm gia bảo.

Ngoài hai loại Ðoan khê và Long Vĩ, nhiều loại đá khác cũng được dùng làm nghiên. Loại đá đỏ Thanh châu thì rất hiếm. Các loại khác như hồng ti, mã não, tùng hoa không có nhiều.

Ngoài nghiên làm bằng đá, người ta cũng làm nghiên bằng sành sứ. Những loại nổi tiếng nhất có Phần Thủy và Quắc (là hai nơi trong tỉnh Sơn Tây) là loại đất sét hoàng thổ thật nhuyễn, độ dính cao. Ðất được gạn và để lắng, nặn thành nghiên đem nung kỹ.

Ðời Hán có một cung điện tên Vị Ương và một đài tên là Ðồng Tước. Về sau cung và đài này bị đổ nát nhưng hậu nhân lấy ngói đem làm nghiên, không hút mực mà lại dễ mài, gọi là Vị Ương nghiên, Ðồng Tước nghiên. Về hình dáng, nghiên cũng có nhiều kiểu, hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, hình trái bầu, hình chiếc lá tùy theo người chế tạo. Một điểm đáng lưu ý là nghiên cũng như triện, những danh sĩ thường tự làm lấy cho mình dùng nên chủ nhân cũng thường là tác giả. Vì nghiên cũng là một tác phẩm nghệ thuật nên người ta chuộng văn sức tự nhiên, nghĩa là tùy theo vân đá, thớ đá mà chế tạo, vừa mỹ thuật vừa chứng tỏ sự sáng tạo, óc tưởng tượng phong phú của nghệ nhân. Văn Thiên Tường có một cái nghiên tên là Ngọc Ðái Sinh Nghiên vì có vân trắng chạy quanh như hình đai ngọc. Tô Thức (Ðông Pha) có Ðông Tỉnh Nghiên, Tòng Tinh Nghiên đều do hình dạng và vân thớ mà đặt thành tên. Trong lịch sử nhiều tác phẩm viết về nghiên đã được lưu truyền nhưng thường chỉ mô tả mà không vẽ hình nên người đọc không biết nghiên đó thế nào. Chỉ có cuốn Tây Thanh nghiên phổ có vẽ hình bằng tay nên cũng không ích dụng lắm. Hiện nay, những tác phẩm viết về nghiên đều có hình ảnh, chụp màu và dưới nhiều góc cạnh. Ðó cũng là cái may cho những người muốn nghiên cứu về cổ vật.

Tuy văn học lúc nào cũng được coi trọng nhưng phong khí mỗi lúc một khác. Ðời Tống được coi là cao điểm của việc tạo nghiên. Về sau chỉ có vua Càn Long nhà Thanh là người say mê nghiên cổ và phát triển nghề đục nghiên ra toàn quốc. Nhiều trung tâm tại Quảng Ðông, Giang Tô, Chiết Giang, An Huy và các tỉnh được thành lập. Viện bảo tàng Ðài Loan hiện nay có rất nhiều nghiên phần lớn là do vua Càn Long ra lệnh sưu tầm.

Sự tích về những danh sĩ ưa chuộng nghiên tốt người đời truyền tụng rất nhiều. Ðiều đó không lấy làm lạ vì ở Trung Hoa thi thư gắn liền nhau, đã làm thơ hay cũng thường vẽ đẹp, chữ tốt nên người ta yêu nghiên cũng chẳng khác gì một nhạc sĩ chuộng cây đàn, một nhà thể thao yêu cái vợt. Truyện kể rằng vua Huy Tông (1105-1125) một lần cho triệu Mễ Phế vào cung viết chữ cho vua coi. Sau khi xem ông trổ tài, nhà vua rất lấy làm vừa ý nên hỏi ông muốn được thưởng gì. Mễ Phế trả lới là ông chẳng mong tiền bạc, chỉ mong được làm chủ chiếc nghiên vừa mài mực cho ông viết. Lẽ dĩ nhiên vua Huy Tông đồng ý và Mễ Phế lập tức nhặt chiếc nghiên còn đầy mực, gói ngay vào áo, mực dính be bét khiến cả triều đình phải phì cười.

Hiện nay tuy nghiên mực không còn gắn bó chặt chẽ với người học trò như xưa vì đã có nhiều phương tiện khác như bút chì, bút bi, computer nhưng nhiều người vẫn thích dùng nghiên để mài mực, nhất là những thư pháp gia thường không thích dùng mực pha sẵn bán từng chai. Tìm được một chiếc nghiên tốt cũng không dễ. Dùng nghiên không nên để mực khô mà nên rửa sạch sau khi dùng. Không nên dùng vật nhám hay đồ kim loại để cạo hay chà nghiên. Những chiếc nghiên đắt tiền thường có hộp đựng, bằng gỗ hay sơn mài. Nghiên càng quí thì hộp càng đẹp, bằng cẩm lai, gụ, mun và thường có khắc chữ hay trạm trổ. Nghiên rẻ tiền nhất làm bằng mạt đá ép, thường chỉ để cho trẻ con tập viết.

Cổ nghiên cũng là một sở thích của nhiều nhà sưu tầm. Một số người Nhật Bản dám bỏ những món tiền lớn mua nghiên cổ của Tàu. Hiện nay, nếu muốn người ta có thể mua những bộ chữ (fonts) đủ loại chân thảo triện lệ để dùng trong những nhu liệu của máy điện toán. Thế nhưng nhiều người vẫn thích viết chữ vì ngoài nghệ thuật, đây cũng là một cái thú thanh tao di dưỡng tâm hồn. Sáng tác một bài thơ, làm một đôi câu đối, mài mực một cách khoan thai để cho hồn lắng đọng rồi tập trung tinh thần viết những nét rồng bay phượng múa trên một tờ giấy hoa tiên là một sảng khoái không phải ai cũng có được. Có lẽ vì thế mà nghiên bút trở thành một phần không thể tách rời của thi nhân.

--------------------------------------------------------------------------------
1 Những từ tú tài (người tài giỏi), cử nhân (đề bạt người), tiến sĩ (dâng người lên vua) vẫn còn tồn tại đến ngày nay với một ý nghĩa mới.
2 Hart, M.H. The 100, A ranking of the most influential persons in history, Galahad Books, New York 1982 - tr 68
3 Kim Dung, Lộc Ðỉnh Ký, cuốn 5, Minh Báo, Hongkong 1981 trang 1757-1758

 

Còn tiếp...

Phần 3: GIẤY

Bài viết liên quan