Đạo thầy ngàn năm - Sự học muôn đời
logo

TỪ MÁI TRANH LÀNG CŨ ĐẾN GÁC KHUÊ VĂN GẶP HỘI RỒNG MÂY

Trong dòng chảy văn hóa dân tộc, hình ảnh thầy đồ không chỉ biểu hiện cho lớp người xưa am tường Nho học, truyền đạt chữ nghĩa, hoằng dương tư tưởng thánh nhân; mà còn trở thành biểu tượng giản dị gần gũi về ngọn đèn sáng nơi án sách thư phòng - người thầy giáo.

Sáng ngày rằm tháng Giêng, trong không gian Văn Miếu Quốc Tử Giám, ngồi bên những chiếc bàn tre mộc mạc, ấm trà sen ngát hương, màu mực tươi sánh, sắc giấy đỏ rạng rỡ, chúng tôi kể nhau nghe về chuyện của ngày xưa.

“Đạo Thầy ngàn năm luôn sáng mãi
Sự Học muôn đời phải gắng công.” (Ngẫu Thư)

 



Khách ngồi nơi đây là những người bạn cùng yêu văn hoá Việt Nam, yêu vẻ đẹp của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khách quen có, khách du lịch hứng thú ghé qua cũng nhiều.
Không gian “Nhà Thầy Đồ” thuộc cụm không gian trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc Học Đầu Tiên”.

Cụm trưng bày gồm hai không gian tĩnh và động, trong nhà và ngoài trời, cùng hơn 200 tài liệu, hiện vật được thể hiện cả bằng công nghệ hiện đại, minh chứng cho quá trình hình thành và phát triển ngôi trường Quốc học đầu tiên của nước nhà.
Từ dãy nhà Đông vu, khu thứ tư của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, du khách được đắm mình vào chuyến du hành lịch sử sống động. Điểm xuất phát là Quốc Tử Giám, khởi đầu dưới thời Lý, phát triển dưới thời Trần - Hồ, đạt đỉnh cao thời Lê sơ - Mạc - Lê Trung Hưng rồi biến đổi dưới thời Nguyễn và kết thúc ở sự hồi sinh của di tích thời đương đại.
Mỗi giai đoạn trong lịch sử hình thành và phát triển của Quốc Tử Giám đều để lại dấu ấn riêng với sự xuất hiện của các danh nhân văn hóa, cùng các sự kiện lịch sử tiêu biểu diễn ra tại Trường Quốc học đầu tiên này.

Lý giải về cách sắp đặt không gian triển lãm trong nhà, ông Patrick Hoarau - Chuyên gia đồ họa, trưởng nhóm thiết kế - cho biết: “Kịch bản trưng bày của cuộc triển lãm thể hiện theo trình tự dòng thời gian. Đó là trục thời gian dẫn chúng ta đi từ thời điểm Nho giáo du nhập vào Việt Nam với những tư tưởng của Khổng Tử cho đến ngày nay. Trục thời gian đó giống như một dòng sông gắn liền với những dòng chảy đưa chúng ta đến những thời điểm, giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển về mặt tri thức”.

Ngay sau dãy nhà Đông Vu là không gian ngoài trời. Gian nhà vườn cây nhà thầy đồ, không gian lều chõng đi thi và vinh quy bái tổ.

Từ luống rau, rặng trúc, giàn trầu, cây cau, chum nước… Những cảnh quê xưa đang hiện diện nhẹ nhàng. Nỗi nhớ quê, niềm cổ cứ thổn thức trong lòng cùng mùi hương bài thoảng bay trong gió.

Với không gian Quốc Tử Giám - Trường Quốc Học Đầu Tiên, ông Lê Xuân Kiêu (giám đốc Trung Tâm) mong muốn đưa du khách trở về quá khứ mộng mơ và hào hùng của dân tộc, mỗi người sẽ tưởng tượng hóa thân mình như là một cậu học trò nhỏ, từ mái lá hồn quê qua hành trình học hành thi cử tiến thân làm rạng rỡ non sông, rồi lại mang hồn mình gửi vào quê hương.

Trong dịp khai trương không gian, nhóm học sinh Hệ thống giáo dục Everest đã được thầy cô dẫn đến tham gia lớp học nhà thầy đồ. Buổi học giúp các bạn hiểu hơn về đạo học từ truyền thống của dân tộc, về những giá trị của Tiên học lễ - Hậu học văn.

Lần đầu được cầm bút lông, ngồi học trong không gian yên tĩnh, đậm hồn quê Việt đã mang đến cho các học sinh những trải nghiệm thú vị.

Xuân về, trong không khí hân hoan đón Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023, gia đình Ngài Đại Sứ Na Uy đã chọn Văn Miếu Quốc Tử Giám là một điểm đến quan trọng.

Ngài Đại sứ Hilde Solbakken và gia đình đã đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tìm hiểu thư pháp và xin chữ tại không gian nhà thầy đồ.
Ngài đã xin chữ Xanh cho Đại sứ quán Na Uy với ý nghĩa bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên và niềm tin yêu hy vọng.

Ngẫu Thư cũng tặng gia đình ngài Đại sứ chữ Hạnh Phúc để chào đón năm mới sắp đến.
Trước khi tạm biệt nhau, ngài Hilde Solbakken đã ghi lại những dòng chữ để cảm ơn và tôn vinh những nét đẹp trong văn hóa Việt Nam.

Chia sẻ khi nhìn những dòng lạc khoản đang được ghi trên tờ biểu, ngài Adrian nói: “thầy đồ giống như một bác sĩ phẫu thuật, cầm chiếc dao nhỏ xíu trên đôi tay chắc chắn mà mềm mại để thực hiện những động tác tỉ mỉ tinh tế.”

Ngày 1.11.2023, thầy trò Lưu Đức Thư Đường nhận nhiệm vụ tiếp tục xây dựng lớp học thầy đồ, phục vụ chỉnh thể chương trình trải nghiệm tuor đêm Văn Miếu "Tinh Hoa Đạo Học"

Tinh tú trời Nam sao Khuê toả sáng
Hoa văn đất Việt trầm tích thời gian
Đạo thầy ngàn năm lưu hương hậu thế
Học trò trường Giám rạng rỡ non sông.  (Ngẫu Thư)

 

Bài viết liên quan