Nhớ đến chữ "BỌC" của bà ngoại
logo

"Bọc" có hai nét nghĩa, một là danh từ chỉ tập hợp những vật rời được bọc lại với nhau thành từng đơn vị, như bọc trứng Mẹ Âu Cơ, một bọc tiền, bọc quần áohai là động từ gói lại chỉ gói lại, bao kín để che giữ, như bọc sách, bao bọc.


Nhưng ở đây, tôi nhớ về bà, và chữ "bọc tiền". nhưng với tư cách là động từ. Tôi vẫn nhớ mấy câu sau trong câu chuyện của bà: "Ai cho tiền bà lại bọc vào đây, hôm nào con về bà cho mà mua sách", hay "bà vẫn bọc ở đây, có tiêu gì đâu".
Mấy câu ấy vừa thể hiện tình thương cháu ngoại, lại vừa thể hiện sự trân trọng với những đồng tiền. Mà hình như hai điều ấy nó kéo theo nhau.


Lớn rồi, đi đâu, có khi bà hỏi: "Có bọc theo đồng nào không?" hay "Không bọc theo đồng nào, lỡ hỏng xe thì sao, khát nước thì sao?". Đó không chỉ là quan tâm, lo lắng cho con cháu. Biết nghĩ rồi tôi còn hiểu câu nói gợi cho tôi về sự lo xa, không chỉ là mang theo tiền 1 cách đơn thuần, mà mang theo một cách cẩn thận, trân trọng.


Những cách dùng từ như trong những câu nói của bà, lâu lắm rồi tôi chẳng nghe thấy ai dùng. Nét nghĩa ấy đã chết, hay nó là cách dùng từ của cá nhân bà. Tôi không nghĩ nhiều, chỉ thấy nó luôn gợi cho tôi những suy nghĩ về tuổi thơ thiếu thốn, nghĩ về bà với những chắt chiu, hy sinh cho con cho cháu. Mẹ tôi và các chị em của mẹ từ bọc của bà mà đến đời này. Tôi từ bọc của mẹ mà đến đời này. Bà đã bọc cả mẹ tôi, cả tuổi thơ của tôi.


Bà mất ngày gần tết.
Tôi không khóc.
Lúc ấy không chẳng biết lý thuyết gì về việc khóc lóc là níu kéo làm cho người ra đi thêm đau khổ và luyến tiếc trần gian, nhưng tôi không khóc.


Tôi không khóc ngày bà đi, nhưng từng ấy năm tôi vẫn nhớ bà rất thường xuyên. Có khi khóc trong giấc mơ.

Nhớ mùi hương rất lạ rất quen trên áo bà.
Nhớ cách mà thở lúc ngủ, vì bà móm nên thở cứ phù phù.
Tôi vẫn nhớ những câu chuyện cổ tích bà kể mỗi đêm.
Thực ra, bà chỉ có độ dăm bảy chuyện thôi, nhưng cứ kể đi kể lại. Một phần vì tôi không thức để nghe hết được, một phần vì nó đã là thói quen cần có giọng kể của bà, và cánh tay ba phe phẩy quạt nan.
Có lẽ, trước khi biết thích, thích chép những câu thơ mẹ đọc, thì việc bà kể chuyện mỗi đêm chính là đã ươm mầm cho việc tôi theo học văn chương.
Nhớ đến câu thơ của Nguyễn Duy:
"Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ, mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ không?"


Không phải chỉ 1 nhịp cầu từ mẹ, mà tôi còn được nối nhịp trực tiếp từ bà. "Liệu mai sau các con còn nhớ không?" như là một trăn trở về việc nối nhịp cầu, "gánh vác phần người đi trước để lại/ Dặn dò con cháu chuyện mai sau/ Hàng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ tổ." (Nguyễn Khoa Điềm)

Bài viết liên quan

TIN MỚI NHẤT

Không gian thầy đồ - Văn Miếu Quốc Tử Giám

Không gian thầy đồ - Văn Miếu Quốc Tử Giám

TỪ MÁI TRANH LÀNG CŨ ĐẾN GÁC KHUÊ VĂN GẶP
Thư pháp từ những niềm vui nhỏ - Thùy Lân

Thư pháp từ những niềm vui nhỏ - Thùy Lân

Trước khi đến với lớp học thư pháp, em từng