NGÀY CHƯA GIÔNG BÃO
“Và anh nâng niu em như đóa hoa
Còn em xem anh như trăng ngọc ngà.”
(Bình luận của Ngẫu Thư - Nguyễn Thanh Tùng)
Ngày chưa giông bão do Phan Mạnh Quỳnh sáng tác cho phim điện ảnh Người bất tử. Qua giọng hát ma mị của Bùi Lan Hương, tác phẩm tạo hiệu ứng tích cực cho phim, trở thành một trong những bản nhạc phim ấn tượng trong năm 2018.
Gần đây tôi được nghe thêm bản của Tùng Dương.
Phải nói, tôi cực kỳ ấn tượng với bản phối của Tùng Dương. Ở bài hát này, vẫn là chất Tùng Dương, nhưng cũng lại khác Tùng Dương qua những hit “Con cò” hay “Dệt tầm gai”
Nếu như chất của Bùi Lan Hương cho người nghe thấy hình ảnh của cô gái trong bài hát, quan sát mọi việc qua góc nhìn của cô; thì Tùng Dương lại đưa sự khỏe khoắn để cho ta thêm một góc ngược lại: từ chàng trai.
Ngày chưa giông bão là ngày của hiện tại, hay ngày của quá khứ? Của dự cảm hay của sự nhìn lại?
Dù sao thì cái mốc “giông bão” cũng là chính là nút thắt.
Cuộc sống, tình yêu, quan hệ người với người…đâu phải lúc nào cũng yên bình phẳng lặng. Những gợn mây che ánh trăng rằm khi mờ khi tỏ. Bão giông chợt đến rồi lại đi. Người ta dùng tâm thế nào để ứng xử với nhau trong giông bão?
Khi bình yên, yêu đương nồng thắm.
Lúc bão giông, gắn bó keo sơn.
Người xưa dạy nhau rằng “Tương kính như tân” nghĩa là cùng tôn quý kính trọng nhau như lúc mới đầu. Đó là bản lề nâng niu cánh cửa tình yêu bền vững. Dù tình yêu ấy khi nồng, khi đạm, thì hai chữ “cùng nhau” [tương kính] chính là sự vun vén.
Vì thế tôi yêu thích bài hát này nhất ở hai câu:
“Và anh nâng niu em như đóa hoa
Còn em xem anh như trăng ngọc ngà.”
Vì tương kính nhau, coi nhau như những điều quý giá cần nâng niu mà thương nhau “bóng đêm ghì bàn chân” để “mong lau mắt anh/em khô”; mà luôn xem nơi nhau “là nhà”
Tôi chợt nhớ một cuộc tình đã xa: “Trong giấc chêm bao/ em vẫn ngọt ngào/ như mùa trăng cũ.” ( một ý haiku)
Trong những ngày tháng cả nước khó khăn cùng nhau chống dịch, hay cả trong những gian truân đời thường, thì câu hát:
“Mặt đất níu giữ đôi chân chúng ta, thì bay lên trong cơn mơ kỳ lạ.” như một lời động viên tinh thần lớn lao.
Chợt nhớ về nhân vật Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu. Mối tình Nguyệt - Lãm trong truyện là tình yêu lý tưởng, nó là tiếng nói khẳng định tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống chiến đấu của lớp trẻ. Tình yêu ấy như một sức mạnh lớn lao “trong tâm hồn người con gái nhỏ bé”… “cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy bao nhiêu bom đạn dội xuống cũng không thể nào tàn phá nổi cũng không hề đứt…”
Cuộc bão giông nào cũng vậy, khi bóng đêm ghì bàn chân, nếu không có trái tim lãng mạn để bay qua cõi chết, để thủy chung bên bờ vực thẳm, để nhìn thấy ánh sáng tươi đẹp đang đợi chờ phía trước, thì con người ta có thể ngã gục bất cứ lúc nào. Mà nguy hiểm nhất là gục gã tinh thần.
Bóng đêm là mặt kia của cuộc sống. Bóng đêm là kẻ vô tình và vô hình. Nhưng bóng đêm lại có thể “ghì” bàn chân anh xuống. Đó là bóng đêm cuộc đời khiến anh chẳng còn nhiều luyến lưu, hay chính bóng đêm trong tâm hồn anh đang nhen lên và đè anh xuống?
Giấc mơ cũng là nét vô hình nhưng thật đến lạ kỳ. Nơi giấc mơ là: em, anh, căn nhà, yên ấm, chan hoà. Mọi thứ trong mơ có thể lộn xộn, nhưng cảm giác mà giấc mơ mang về nhiều khi làm ta muốn bay lên mãi.
R.Rozhdestvensky viết trong khổ cuối của bài thơ “Con người nói chung không cần nhiều” rằng:
“Con người
Nói chung
Không cần nhiều
Chỉ cần có ai ở nhà
Đang đợi.”