Tản Văn
logo

Phần 1: Chữ “Bọc”


“Bọc" có hai nét nghĩa, một là, danh từ chỉ tập hợp những vật rời được bọc lại với nhau thành từng đơn vị, như bọc trứng Mẹ Âu Cơ, một bọc tiền, bọc quần áo; hai là, động từ gói lại chỉ gói lại, bao kín để che giữ, như bọc sách, bao bọc.

Nhưng ở đây, tôi nhớ về bà, và chữ "bọc tiền". nhưng với tư cách là động từ. Tôi vẫn nhớ mấy câu sau trong câu chuyện của bà: "Ai cho tiền bà lại bọc vào đây, hôm nào con về bà cho mà mua sách", hay "bà vẫn bọc ở đây, có tiêu gì đâu".
Mấy câu ấy vừa thể hiện tình thương cháu ngoại, lại vừa thể hiện sự trân trọng với những đồng tiền. Mà hình như hai điều ấy nó kéo theo nhau.

Lớn rồi, đi đâu, có khi bà hỏi: "Có bọc theo đồng nào không?" hay "Không bọc theo đồng nào, lỡ hỏng xe thì sao, khát nước thì sao?". Đó không chỉ là quan tâm, lo lắng cho con cháu. Biết nghĩ rồi tôi còn hiểu câu nói gợi cho tôi về sự lo xa, không chỉ là mang theo tiền 1 cách đơn thuần, mà mang theo một cách cẩn thận, trân trọng.

Những cách dùng từ như trong những câu nói của bà, lâu lắm rồi tôi chẳng nghe thấy ai dùng. Nét nghĩa ấy đã chết, hay nó là cách dùng từ của cá nhân bà. Tôi không nghĩ nhiều, chỉ thấy nó luôn gợi cho tôi những suy nghĩ về tuổi thơ thiếu thốn, nghĩ về bà với những chắt chiu, hy sinh cho con cho cháu. Mẹ tôi và các chị em của mẹ từ bọc của bà mà đến đời này. Tôi từ bọc của mẹ mà đến đời này. Bà đã bọc cả mẹ tôi, cả tuổi thơ của tôi.

Bà mất ngày gần tết.
Tôi không khóc.
Lúc ấy không chẳng biết lý thuyết gì về việc khóc lóc là níu kéo làm cho người ra đi thêm đau khổ và luyến tiếc trần gian, nhưng tôi không khóc.

Tôi không khóc ngày bà đi, nhưng từng ấy năm tôi vẫn nhớ bà rất thường xuyên. Có khi khóc trong giấc mơ.

Nhớ mùi hương rất lạ rất quen trên áo bà.
Nhớ cách mà thở lúc ngủ, vì bà móm nên thở cứ phù phù.
Tôi vẫn nhớ những câu chuyện cổ tích bà kể mỗi đêm.
Thực ra, bà chỉ có độ dăm bảy chuyện thôi, nhưng cứ kể đi kể lại. Một phần vì tôi không thức để nghe hết được, một phần vì nó đã là thói quen cần có giọng kể của bà, và cánh tay ba phe phẩy quạt nan.
Có lẽ, trước khi biết thích, thích chép những câu thơ mẹ đọc, thì việc bà kể chuyện mỗi đêm chính là đã ươm mầm cho việc tôi theo học văn chương.
Nhớ đến câu thơ của Nguyễn Duy:
"Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ, mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ không?"

Không phải chỉ 1 nhịp cầu từ mẹ, mà tôi còn được nối nhịp trực tiếp từ bà. "Liệu mai sau các con còn nhớ không?" như là một trăn trở về việc nối nhịp cầu, "gánh vác phần người đi trước để lại/ Dặn dò con cháu chuyện mai sau/ Hàng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ tổ." (Nguyễn Khoa Điềm)



Phần 2: Chữ “Ngõi”

Vườn nhà có mấy rặng chè tươi. Khi tôi 6-7 tuổi, rặng nhỏ đã cao ngang người, rặng lớn thì cao gấp đôi, gấp ba.
Vùng đất này nhiều đá ong, chè ngon và nước giếng pha chè cũng ngọt.

Mấy năm trước, sang làng bên hái chè mang đi Hà Nội tặng cho mấy người bạn. Cây chè cao vút, phải trèo lên mới hai được.

Nếu vườn chè nhà tôi còn, chắc cũng đã bằng tầm này.

Quê ngoại tôi cách nhà 7km thôi, nhưng không có cây chè. Mọi người thường hái chè về cho bà uống dần.
Dưới tán chè là những hàng rau ngót. Hái chè cũng như hái rau. Kiểu “đại lãn” một tay cầm rổ một tay bứt lá hoặc bẻ cành là bị mắng ngay. Cách hái như vậy làm tổn hại đến cây. Phải chọn lá vừa già tới, một tay cầm phía trên cành, một tay bứt ngược xuống, được một hai nắm là vừa một ấm chè tươi.

Nếu để dùng lâu ngày, thì lá phải còn nguyên không bị dập. Rửa sạch sẽ, còn ướt nước rồi để vào túi bóng. Ngày xưa đâu có tủ lạnh như bây giờ.

Khi pha chè, bà mang ấm tích ra sân giếng, rửa sạch. Lá chè cũng được rửa nhiều lần cho thật sạch. Nếu muốn uống ngay có thể vò cho dập lá. Nếu muốn để được lâu hơn, thì để nguyên. Nhưng thường thì một ấm chè tươi cũng chỉ để uống trong ngày. “Chè hâm lại, gái ngủ [đến] trưa” là đều các cụ rất không vừa lòng.

Nước để pha chè là nước giếng khơi, nước giếng đá ong càng tốt. Ở quê ngoại tôi thì thường dùng cả nước mưa, hoặc nước giếng làng.

Mấy đứa nhỏ trong nhà, việc đun nước cũng phải được dạy. Dù dùng rơm hay củi, thì cũng phải để lửa nỏ kẻo nước sẽ òi khối.

Nước sôi thì tưới một nước để tráng chè tráng ấm. Nước hai rót lưng lưng rồi cho vào ấm ủ. Uống nước chè thường dùng bát con hoặc cốc to.

Ngồi bên hiên nhà uống nước chè, bà thường kể chuyện xưa. Chuyện đời, chuyện người, chuyện cổ tích.

Trong câu chuyện đời của bà thường có chữ “Ngõi”. Hôm qua bà đi ăn đám giỗ, gặp bác này bác kia. Bác chuyện anh này chị nọ, vẫn nhớ bà lắm. Thi thoảng gặp đây đó vẫn cứ hỏi thăm, hoặc nhờ người đi qua thì gửi tấm bánh, miếng quà. Bà cũng thường kể về người này người kia, không biết bây giờ ở phương trời nào, còn sống hay đã mất. Nhưng bà nhớ lắm. Ngày trước sống với nhau rất có tình. Dù cuộc sống khó khăn, í ới nhau dù có bát canh ngon hay rổ khoai, khóm sắn...

Tôi chẳng hiểu “ngõi” là gì. Nhưng trong người cứ hình thành dần nên một nét tính cách. Điều này trở thành một giá trị vô hình trong truyền thống gia đình. Trân trọng, nhớ ơn, thường nhắc.

Tôi cũng không thấy ai dùng chữ này. Mặc dù bản thân được học nhiều môn về ngôn ngữ trong trường đại học.

Tôi tìm tra trên mạng, thì có một kết quả nói rằng: Ngõi là từ cổ, là “nghĩa”. Tôi mới hiểu ra rằng, cái Nghĩa mà nho học thường nhắc trong ngũ thường “Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín” trong dân gian thật nhẹ nhàng mà vẫn đầy ắp giá trị con người.

Tôi vào Nam ra Bắc, gặp gỡ biết bao con người, từ già đến trẻ. Giờ đây, có Facebook kết nối rộng rãi, nhưng vẫn không gặp lại hết được những ân tình xưa. Cuộc sống ở Hà Nội, cũng có nhiều đổi thay, dù cách nhau không xa mấy, nhưng vì công việc riêng cũng hiếm khi gặp nhau. Nhiều khi nhớ đến mà rưng rưng.

Uống trà, đầu tiên là chè xanh của bà ngoại. Nên gọi chính xác là uống nước chè. Uống trà, đầu tiên là trà mạn của bố. Cũng thuộc loại cắm tăm. Ấy là hồi ở quê nhà.

Uống trà, đầu tiên là với thầy Lưu Đức Trung. Từ thầy tôi biết được ấm tử sa, màu gan gà, độc ẩm, đối ẩm, trà Việt, trà Trung, Trà Nhật. Ấy tôi còn là hồi sinh viên, ở SG, 2006-2010.

Về Hà Nội, quán trà đầu tiên, người bán trà đầu tiên tôi quen biết là anh Việt Bắc với quán Thưởng Trà ở Núi Trúc. Khi ấy là đầu năm 2012.

Trong giới thư pháp, nét chữ đầu tiên tôi học là chữ trong câu đối của chùa và những ngôi nhà cổ trong làng; người đầu tiên tôi học qua những bản in là Anh Hiếu Tín; người tôi trò chuyện đầu tiên là bác Việt Hà (Góc phố Trương Định - SG); người dạy tôi cầm bút đầu tiên là Cô Kim Ngân và Thư họa gia Quan Tồn Chí; người trong giới tôi tiếp xúc đầu tiên sau khi tập viết là anh Minh Hoàng; bài Haiku đầu tiên làm nơi quán cafe cóc sau khi rời nhà Thầy Lưu Đức Trung.

Ôi! Những lần đầu tiên.

Đêm mưa, ngồi bên ấm trà ngoài ban công khu tập thể, tôi kể cho cậu em nghe về chuyện Hà Dĩ Thâm trong cuốn “Bên nhau trọn đời” của Cố Mạn. Là một nam thần trong giới luật sư, sống lạnh lùng, tránh xa truyền thông. Nhưng có lần, vì chương trình ấy có nhiều view nên anh đã nhận lời phỏng vấn. Mọi người tưởng anh hám danh. Thì ra, anh mong rằng qua những chương trình như vậy, biết đâu cô gái năm xưa - Triệu Mặc Sênh có thể nhìn thấy anh, biết rằng anh vẫn sống, vẫn ở thành phố này.

Gặp nhau đây, nhân duyên trong kiếp này yêu thương đáng quý vô cùng. Mọi thứ đều sẽ ghi vào trời đất, một đoạn nào đó ta lại gặp nhau.

 

Ngẫu Thư - Nguyễn Thanh Tùng

Bài viết liên quan

TIN MỚI NHẤT

Không gian thầy đồ - Văn Miếu Quốc Tử Giám

Không gian thầy đồ - Văn Miếu Quốc Tử Giám

TỪ MÁI TRANH LÀNG CŨ ĐẾN GÁC KHUÊ VĂN GẶP
Thư pháp từ những niềm vui nhỏ - Thùy Lân

Thư pháp từ những niềm vui nhỏ - Thùy Lân

Trước khi đến với lớp học thư pháp, em từng