CHƠI HOA ĐÃ DỄ MẤY NGƯỜI BIẾT HOA
Câu thơ trên trích trong Truyện Kiều (Nguyễn Du). Viết về đoạn Kiều ở lầu xanh ( không có .com), Tú Bà dạy cho Thuý Kiều nhưng ngón nghề, trong đó có chuyện lừa khách làng chơi:
“Dưới trần mấy mặt làng chơi,
Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa .
Nước vỏ lựu máu mào gà,
Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên.
Mập mờ đánh lận con đen,
Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền mất chi?”
Mùa nào thức nấy, tôi cũng như bao người khác thường mua hoa về bày.
Trước Tết thì hoa đào, hoa mai...Sau Tết thì hoa lê, hoa bưởi.
Đợt hoa bưởi này tôi đã mua 3 bận. Bận thứ nhất thì như mọi năm, mua để cắm ngày khai giảng lớp mới Rằm tháng Giêng. Những bận khác thì theo duyên. Nhưng mà lạ, như bó hoa bưởi chiều qua mua chiều nay đã ủ ê. Tôi chợt nhận ra: Ừ, mỗi lần mình cắm hoa bưởi vào lọ, mình cứ thấy điều gì đó gợn gợn. Những cành hoa thơm ngát trên tay, nhưng cành hoa thì dập, sước, vỏ cành thì te tua. Thấy thương thương. Có lẽ đó là lý do mà cành không thể hút nước, hoa nở không bền, nụ thì không nở chăng?
Nay đem chuyện này nói với NYC, người yêu hoa Đoan Trang. Chị cũng đồng cảm. Chị kể: “Mẹ chồng chị bảo, hoa bưởi 4 cánh là hoa đực, hoa 5,6 cánh là hoa cái.” Nên nếu hái để ướp mía, hay ướp trà hay cài mái tóc...các nàng thơ cũng nên biết chọn nhé!
Chị lại kể: Nghe mẹ nói vậy, chị để ý thấy những bông hoa rụng thường là 4 cánh. Đúng là chọn lọc tự nhiên thầy ạ!
Những chùm hoa bưởi ngoài phố, có thể là của những giống bưởi không ngon, trồng lấy hoa vẫn là ra kinh tế, lại còn ngày ngày không phải chăm sóc đợi lâu.
Về chuyện cành hoa bị tước, cũng khó nói, vì những người bán hoa thường là lấy lại để bán. Nhanh tàn thì lại nhanh mua thôi, 20-25 ngàn một lạng cơ mà.
Giá mà người bán họ dùng kéo cắt cho ngọt thì hay, người chơi hoa cũng đỡ xót, cành và xây cũng bớt đau.
Gần 30 năm trước. Những ngày ở quê. Trong vườn có nhiều cây. Việc hái chè về hãm uống, hay hái rau ngót nấu cành là việc làm thường xuyên. Bà ngoại và mẹ sẽ mắng ngay nếu tôi làm kiểu đại lãn. Kiểu 1 tay cầm rổ 1 tay bứt lá giật ngược lên. Tôi được dạy rằng phải để rổ xuống, chọn lá bánh tẻ, một tay cầm phía ngọn, một tay hái xuôi xuống. Từng lá từng lá sẽ nằm gọn trong tay, để vào rổ cũng được gọn, mà cũng dễ ướm xem đã đủ ấm trà, hay đủ nồi canh chưa. Chỗ mình hái, ngày một ngày hai sẽ búp non sẽ lại lớn, hoặc nhánh nhỏ sẽ lại nảy sinh.
Đúng là “chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa”.
Đến đây, tôi lại nhớ chùm hoa bưởi trong một ngày xuân mưa gió ở sân vườn nhà năm nao:
"Liếp bếp thủng
hoa bưởi trong mưa
người ngưng thổi lửa."