Thơ Haiku Việt
logo
Năm 2009, tôi được theo chân thầy Lưu Đức Trung để học làm thơ Haiku. Thơ Haiku đã cho tôi cái nhìn về cuộc sống tích cực hơn, đa chiều hơn, bình đẳng hơn. Tôi vốn thích chụp ảnh và chơi chữ thư pháp. Nhận thấy rằng, nhiếp ảnh và thơ haiku có rất nhiều điểm chung. Với thư pháp cũng vậy.

Thầy thường dạy tôi rằng: Thơ haiku không phải để ngâm vịnh, mà là để suy ngẫm. Muốn hiểu được một bài thơ, chúng ta phải mở mắt để nhìn, lắng tai để nghe, trải lòng ra để cảm nhận.

Việc giới thiệu các bài thơ haiku hay website và fanpage "Thơ Haiku" để mọi người biết, cùng hiểu và có thể sẽ yêu mến và sáng tác thể thơ này, hi vọng giúp chút ích cho đời sống. Tôi (Ngẫu Thư - Thanh Tùng) lập trang này, chính là nhằm mục đích ấy. Đồng thời, đó là cách để tôi được tiếp xúc nhiều hơn với văn hóa Nhật, văn hóa Việt; các tác giả, các bài thơ từ cổ chí kim, từ Việt qua Nhật mà tôi ít duyên nên chưa được biết đến. Hai mục đích ấy lại cũng giúp tôi một mục đích khác, đó là Tri ân.

Tri ân tiến sĩ Nguyễn Bích Thúy, giảng viên Đh Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiệt tình dắt tay chỉ đường cho chúng tôi biết đến những nền văn hóa lớn như Ấn, Nhật, và với tôi, đặc biệt là thơ Haiku. Tri ân chị Hoàng Oanh, giáo viên trường Phổ thông năng khiếu, Đh Quốc Gia Tp HCM đã kết nối duyên tình để tôi được gặp gỡ thầy Lưu Đức Trung. Tri ân Thầy đã tận tình dạy bảo con những bài học thực tiễn, chỉnh sửa câu từ cho ý tứ của con được sâu sắc hơn, Thầy cũng lắng nghe những ý kiến của con về những câu thơ của Thầy. Có lẽ đó chính là tinh thần Vô Sai Biệt của Thiền. Cuộc sống của Thầy chính là một cuốn thơ Haiku hồn nhiên giản dị thôi, mà hội tụ bao điều lớn lao. Thầy đã truyền trao ngọn lửa ấy không chỉ cho tôi, mà còn cho biết bao thế hệ học trò, biết bao người có lòng yêu mến văn chương.Tri ân thầy Nhật Chiêu với những cuộc trò chuyện thân tình nhưng lại mang tới cả một bài học nhân sinh ý vị. Tri ân các vị tiền bối, các thầy cô, anh chị...là thành viên CLB thơ Haiku Việt Tp.HCM, CLB thơ Haiku Việt Hà Nội...

Phó giáo sư Lưu Đức Trung và Thanh Tùng ( Sài Gòn 2010)

 

Và chắc chắn không quên tri ân cuộc đời, với những hoa, những cỏ, những chim, những bướm, những chuồn chuồn, những mối kiến gián... những chiếc lá rơi, những mầm non mơn tơ, những trăng non, trăng già, những hạ nắng vô tư...

 

Trong 66 câu Phật học, câu 32 có viết: Chân lý của nhân sinh được giấu trong cái bình thường.

Chân Lý tối hậu có mặt ở khắp mọi nơi, Chân Lý tối hậu vừa ở trung tâm vừa ở ngoại vi.Xin dẫn lại câu chuyện sau:

“Đông Quách Tử hỏi Trang Tử: Cái gọi là Đạo ở đâu? Trang Tử: Không có chỗ nào mà không có Nó. Quách Tử: Xin chỉ ra mới được. – Trong con sâu, con kiến Quách Tử: Sao mà thấp quá vậy? – Trong ngọn cỏ Quách Tử: Sao còn thấp hơn nữa? – Trong ngói gạch Quách Tử: Sao càng thấp hơn nữa? – Trong cứt đái (thỉ niệu) Quách Tử không hỏi tiếp nữa."(Trang Tử Nam Hoa Kinh – Thiên Đông Quách Tử)

Ý rằng Đạo chẳng phải chỉ ở những chỗ cao siêu, mọi thứ đều là Đạo, vạn vật bình đẳng.

Cảm thơ cần "mở mắt để nhìn, lắng tai để nghe, trải lòng ra để cảm nhận," vì vậy, các hình ảnh minh họa trong trang này (Sưu tầm, tự chụp, tự viết) chủ yếu nhằm mục đích cố gắng tiệm cận đến ý tứ vi diệu của thơ. Và, để việc lưu giữ được trên trang được dễ dàng hơn, các bài thơ không bị dòng thời gian trôi đi gây khó khăn cho việc tìm kiếm. Đọc thơ, cảm thơ, xin quý vị bỏ quá cho những thiếu sót, những lỗi lầm ở hình minh họa.

 

 

Thanh Tùng cẩn bút.Hà Nội, 12.8.2014

 

Bài viết liên quan