Thơ Haiku Việt
logo

Tôi chưa biết Thanh Tùng là ai? Vô tình đọc chùm thơ xuân [muộn] của ông, cảm thấy hay, muốn viết cái gì đó cho những bài thơ bé nhỏ này. Quả thật, thơ hay liền bắt người ta dừng lại. Đọc chậm. Và ngộ ra từng cảm xúc lăn tăn mà mãnh liệt như sóng, cuốn hút trái tim cô đơn!

   1.

Chén trà cuối năm

một con muỗi đậu

chuyện đời nhẹ tênh.

 

Một chén trà cuối năm, và một con muỗi. Thế thôi, mà rất thơ. Thơ haiku là thế, đừng nghĩ là nó phải nhiều. Không cần diễn tả gì thêm, tác giả viết rất tự nhiên không hề để tâm vào chuyện tả cảnh. Nói chuyện với con muỗi, bây giờ không còn là con vật hút máu người nữa rồi. Nó - một cá thể đang đậu, hay ngồi nói chuyện với con người. Bình đẵng. Vô phân biệt. Hóa ra câu chuyện nhẹ tênh, chả có gì là người và muỗi. Một trái tim an hòa mới viết được, không phải dễ...

   2.

 

Ngày 30 Tết

vẫn cứ rong chơi

đàn vịt bơi bơi...

 

Ngày 30 tết ư? Trong khi người người tất bật, thì nhà thơ cứ rong chơi, có phải kẻ vô tâm rỗi nghề không? Thật ra, trong cuộc sống, ai cứ bận việc thì việc nó bận, ai không bận thì không bận, chứ sao lại nói là vô tâm! Bởi viết được nội hàm này, là kẻ có bản lĩnh và căn hạnh, mới đạt được thứ ngôn từ tưởng như chơi mà vô cùng sâu sắc. Hình ảnh "đàn vịt bơi bơi" hết sức huyền nhiệm. Nó thâu tóm tâm ý tác giả về cuộc sống nội tại, nhẹ nhàng lướt trên cuộc đời mưu toan, bề bộn...

Thái độ sống ấy, là thơ dạy cho ta biết rèn luyện và tu dưỡng tâm tánh, một đời khí phách mà như không. Và loại thơ haiku này, đã chọn Thanh Tùng làm kẻ hành hương, đi về ngôi đền thơ bí mật và kỳ thú nhất hành tinh...

   3.

Ngày đầu năm tý

hai chú mèo

nằm bếp ngắm mưa rào.

 

   Theo tôi, năm con chuột hay con mèo, cũng do con người đặt ra từ thực tế cuộc sống. Mèo và chuột là hai kẻ thù truyền kiếp, thế mà đầu năm mới, hai chú mèo thật lãng mạn, nằm bếp ngắm mưa rào! Có một cái gì thiêng liêng, không phải do đầu năm hay cuối năm, có lẽ trong bất cứ loài vật ăn thịt nào cũng có phần chân thiện. Hễ chân thiện lấn át thì cái ác chìm xuống, phần thiện nổi lên. Hai chú mèo lãng mạn không cảm thấy đói, vì cơn mưa rào ngoài kia đang vang lên thứ âm thanh hấp dẫn, trong giờ phút này chúng muốn yên lành như một sinh vật bình thường, không lấy móng vuốt làm quan trọng nữa...

   Thế đấy, thơ là thứ vô cùng nhân văn, dẫn sinh loài có ý thức thấm dần chân thiện, cảm hóa chúng ta...

   4.

Liếp bếp thủng

hoa bưởi trong mưa

người ngưng thổi lửa.

 

   Nhà thơ phải có con mắt quan sát sự việc, thì Thanh Tùng quan sát rất giỏi. Hình ảnh người thổi lửa trong bài thơ là hình ảnh do quan sát mà có. Góc nhìn rất đẹp như một họa sĩ tài ba. Một lỗ thủng của liếp bếp, ta có thể nhìn ra bên ngoài vườn, bất chợt chùm hoa bưởi trắng ngần trong mưa đập vào con mắt thơ, liền hiện ra một kẻ lãng mạn không kém hai chú mèo trên kia. Thế là kẻ lãng mạn "ngưng thổi"...

   Một khoảnh khắc tuyệt đẹp của hồn người, quyện với linh hồn thiên nhiên,  tôn vinh sự trinh bạch của nghi lễ tẩy trần dưới mưa. Thật không có cảm xúc nào hơn, ngôn ngữ Việt chơi hết mình với haiku, vừa cô đọng, vừa gợi mở bao la khiến bài thơ hay cách dung dị, đúng với bản chất sự việc, nhỏ bé mà lớn lao, đơn sơ mà sâu thẳm mênh mông...

5.

Sáng mồng 3

mươi quả trứng gà

trong xó vườn ngủ kĩ.

 

Sáng mồng ba - một buổi sáng của ngày Tết, vẫn còn đó những niềm vui cổ truyền trên cái nền hiện đại. Mọi người vẫn hân hoan ăn Tết, chúc tụng, vui chơi và mệt mỏi; "mười quả trứng gà trong xó vườn" thì có gì đáng nói?

Nhưng không, đây là một phát hiện thú vị. Mười quả trứng gà, mười sinh linh vô tư, trong khi mẹ gà cũng lo kiếm ăn chưa kịp về ấp trứng. Đúng ra, nếu mười quả trứng đẻ trong nhà, có khi đã bị làm bánh hết rồi. Còn đâu!

Từ khóa của bài thơ này là "ngũ kĩ". Đúng vậy, quả trứng vô tư có biết gì về cái ngày gọi là tết của con người đâu, nên chúng "ngủ kĩ" để lấy sức đạp vỏ bung ra ngoài. Bài thơ chứa hàm ý về sức sống mãnh liệt, mà chúng ta thường bỏ quên. Và cái xó vườn, và mảnh trời tự do kia, đẹp đẽ biết bao, ra ngoài sự kiềm tỏa của mọi luật tục, là hiện thân của tự do và bản năng sinh tồn. Bao giờ con người mới có thứ tự do đó, và biết tôn trọng nó?

 

 

   6.

Tối mồng 3

rang bát cơm nguội

bếp khóm trúc đùi gà.

 

Bài thơ là xâu chuỗi logic, suốt ngày rong chơi thì đây là buổi tối mồng ba, chỉ còn bát cơm nguội. Câu thơ mới ung dung tự tại làm sao! Đâu cần cao lương mỹ vị của ngày tết. Một bát cơm nguội là đủ. Nguội mà lòng không nguội, vẫn nóng bỏng cuộc rong chơi đầy ý nghĩa tự tại, là buông bỏ mọi ham muốn ăn ngon mặc đẹp của trần gian. Không có nhu cầu cao về vật chất, thì sẽ thong thả, tự do.

Có gì quý hơn không?

Như tôi đã nói trên đây, nhà thơ là kẻ lãng du, phóng khoáng, có độ hàm dưỡng nội tâm cao, nên tiết chế tham dục, người ta ăn tết hết rồi, mình chỉ nhìn bên bếp, lóng trúc u lên như cái đùi gà tưởng tượng. Thế thôi. Không có gì trầm trọng, cũng chỉ là hai hình ảnh và một con người tác động, mà làm nên tác phẩm có độ thẩm mỹ cao, chính là đây chứ có đâu xa...

7.

Góc phố ngày đầu năm

những mầm xuân còn ngủ

gió vờn đám lá khô

Và cuối cùng, góc phố đầu năm cũng thật độc đáo. Những mầm xuân dường như cũng ăn tết, cũng thấm mệt rồi, nên lăn ra ngủ. Gió là kẻ lang thang bậc nhất hành tinh thì có nhiệm vụ gì?

Có đấy, chúng đến để thực thi cuộc vô thường của Tạo Hóa, nhưng những mầm xanh còn ngủ chưa chịu thức dậy, nên gió cũng bất lực, đành thổi vờn vèo trên đám lá khô...

Vu vơ thật, nhưng đó là hình ảnh cuộc sống muôn đời không thay đổi được. Quy luật vũ trụ phủ lên cuộc sống, cứ thế tiếp diễn không ngừng. Nhưng cái hay của bài thơ, là nhiều khi Thượng đế cũng bó tay trước cái không hay biết (ngủ) của mọi sinh loài. Vì thế, mà làm chậm lại quá trình lão hóa. Đấy có phải chăng là những sai số thống kê trong vòng luân hồi của quy trình "thành - trụ - dị - diệt"?

Dù sao, thơ cũng có năng lực làm chuyển hóa tâm con người, và đưa nó về với tự nhiên hơn. Tôi thành thật chia vui, và đón mừng thơ haiku Thanh Tùng như làn gió thoảng, nhẹ nhàng đi vào lòng người, và là niềm cảm thụ thanh thoát, cho những ai bận lòng với muôn việc giữa quán trọ trần gian này, có được chút thư thái an nhiên...

                               Sài Gòn tháng 5.2020

                                     N.T.N

(nguồn: http://haikuviet.com/)

Bài viết liên quan

TIN MỚI NHẤT

Không gian thầy đồ - Văn Miếu Quốc Tử Giám

Không gian thầy đồ - Văn Miếu Quốc Tử Giám

TỪ MÁI TRANH LÀNG CŨ ĐẾN GÁC KHUÊ VĂN GẶP
Thư pháp từ những niềm vui nhỏ - Thùy Lân

Thư pháp từ những niềm vui nhỏ - Thùy Lân

Trước khi đến với lớp học thư pháp, em từng