Thơ Haiku Việt
logo

“Về Miền Đồng Thảo

 tìm đóa vô thường

mái tóc pha sương.” là bài haiku tôi viết năm 2013 khi trở lại Sài Gòn thăm Thầy và rong chơi 1 tháng sau kì ôn thi vào ĐH cho nhóm học sinh 1993 - 1994 của mình.

Thầy trò đi thăm lại nhiều nơi, trong đó có quán cafe Miền Đồng Thảo thuộc hệ thống Du Miên. Bước đi sau Thầy để chụp bức ảnh. Ông già phương Đông tóc bạc bay bay bước đi vào cổng lớn vảy ốc bám đầy, cây cối xanh mát, suối chảy róc rách. Ngồi quán, thấy hay gọi nước ép cà rốt (để sáng mắt sáng lòng) hoặc nước dừa (để “uống quả dừa/ hút đại dương/ vào vũ trụ).

Hôm nay thầy gọi món đồ uống có tên Vô Thường. “Về Miền Đồng Thảo tìm đóa vô thường mái tóc pha sương.” tôi viết.

Trước đó 1 năm, khi tôi đang làm anh giáo dạy Văn ở trường PT Phú Bình (Hoà Lạc), thầy về thăm. Tôi viết tay 33 bài thơ của Thầy trên giấy mỹ thuật khổ a3 rồi đóng tập tặng Thầy. Thầy tôi sinh năm 1933 (Quý Dậu) Năm 2019, 2 năm sau ngày thầy mất, tôi trở lại SG, cùng gia đình thu xếp sách vở của thầy. Trong đó có tập thơ chép tay này. Tôi mang theo về HN.

Mấy tháng sau, đúng ngày tôi vừa chuyển về ở khu tập thể, thì nhận được 8 thùng sách từ cô con gái của Thầy. Tôi là Lưu Đức Thư. Tôi vẫn muốn sống những tháng năm ở khu tập thể, để cảm nhận những năm tháng Thầy tôi ở KTT Sư phạm, Giảng Võ trong mấy mươi năm dạy học tại khoa Ngữ Văn trường Đh Sư phạm Hà Nội.

Tháng 5 là tháng ngày sinh của Thầy. Kém đó 3 ngày cũng là ngày “những hẹn hò từ nay khép lại, thân nhẹ nhàng như mây”, tôi chụp lại mấy nét thô vụng của mình, và nhớ nhung...

 

 Học viên lớp Hoa Xuân Ca 2020 sau khi xem bộ ảnh này, viết: Thưa Thầy cảm nhận được rất nhiều nội tâm và hành trình công phu luyện thư pháp của Thầy. Nét chữ bây giờ đã thay đổi nhiều quá vững vàng, bay bổng và tự do tự tại hơn rất nhiều ạ. Bài thơ haiku của Thầy rất hay ạ. Cảm ơn Thầy về tài liệu quý đã giúp trò thêm cảm hứng đi tiếp mặc dù đôi lúc nản lòng muốn dừng lại.

Tôi thưa rằng: Nét chữ của hôm nay là một điểm mà ngày mai không thể lấy lại được. Ta, hôm nay, cũng không thể hình dung được chữ ngày mai của mình sẽ như thế nào. Mỗi cảnh ta ngắm, mỗi người ta gặp, mỗi bài kinh ta ngẫm, mỗi câu thơ ta cảm...tất cả đều là bài học, là thầy...biểu hiện trong ta, và hiển hiện trong nét chữ. Kĩ thuật có thể đạt bằng sự dày công luyện. Tác phẩm chỉ đạt trong một nội tâm vững chãi, thảnh thơi, một tấm lòng yêu chữ, một nỗi niềm trăn trở. 

 

Bài viết liên quan