NHẠC TRỊNH VÀ THƠ HAIKU  (Nguyễn Bích Nhã Trúc)
logo
NHẠC TRỊNH VÀ THƠ HAIKU
(Nguyễn Bích Nhã Trúc)
 
Haiku đến Việt Nam có lẽ cũng đã gần nửa thế kỉ. Ở Sài Gòn, từ trước năm 1975, Ngô Văn Tao là người đầu tiên xuất bản tập Hán tự hài cú (thơ haiku bằng chữ Hán) do Nhà xuất bản Văn nghệ TP.HCM ấn hành (1994) và tái bản tại Nhà xuất bản Văn học (2001). Cho đến nay, haiku là thể thơ ngoại nhập có một vị trí trang trọng ở Việt Nam, được nhiều người yêu thích và sáng tác trên cả nước. Còn sự lan tỏa của nhạc Trịnh ở Nhật thì sao? “Ở ngoài Việt Nam, Nhật Bản là nơi mà Trịnh Công Sơn được người bản xứ biết đến nhiều nhất. Bài Diễm Xưa được dịch ra tiếng Nhật dưới nhan đề Utsukushii Mukashi và được Khánh Ly trình bày ở hội chợ Osaka năm 1970. Bài Utsukushii Mukashi cũng được phổ biến rộng rãi vào quần chúng Nhật qua tiếng hát của Yoshimi Tendo, một ca sĩ nổi danh ở Nhật. Từ đó đến nay Utsukushii Mukashi và một vài bài khác của Trịnh Công Sơn như Ca Dao Mẹ đã được phát trên các đài phát thanh ở Nhật khá đều đặn. Năm 1980 ca khúc Diễm Xưa và bản dịch Utsukushii Mukashi được đài truyền hình lớn nhất ở Nhật NHK chọn làm nhạc phẩm chính cho một bộ phim nội dung trình bày những khác biệt văn hóa giữa một người Nhật có vợ Việt Nam. Tháng 7/ 2004 Diễm Xưa trở thành nhạc phẩm Á Châu đầu tiên được viện đại học Kansai Gakuin đưa vào chương trình giáo dục của viện đại học trong bộ môn Văn Hoá và Âm Nhạc.” (Theo trang web: http://www.trinh-cong-son.com/utsukushi.html) Nếu xét về thời điểm xuất hiện của nhạc Trịnh trên đất Phù Tang và của haiku trên đất Việt, ta thấy không chênh lệch mấy. Để rồi sau gần nửa thế kỉ, thơ haiku và nhạc Trịnh Công Sơn đã thực sự trở thành chiếc cầu nối cho tình hữu nghị, giao lưu văn hóa, nối kết tâm hồn hai dân tộc Việt – Nhật cho đến ngày nay.
 
Trịnh Công Sơn là người dịch thơ haiku chữ Hán của Ngô Văn Tao thành thơ lục bát rất uyển chuyển, tinh tế. Vì vậy, hơn ai hết, có lẽ nhạc sĩ thấm nhuần tinh thần haiku. Ở Việt Nam, Chế Lan Viên và Trịnh Công Sơn là hai người chịu ảnh hưởng bởi thơ haiku sớm nhất. Trịnh Công Sơn là một nhà thơ. Nhưng trước tiên, ông là một nhạc sĩ – nhạc sĩ tài hoa bậc nhất của nền âm nhạc Việt Nam. Nhiều người cho rằng ở Trịnh, “thi trung hữu nhạc, nhạc trung hữu thi”. Vậy, trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, liệu có sự ảnh hưởng hay dấu vết nào của thơ haiku không? Và liệu có điểm gì gần gũi, tương đồng giữa hai thế giới tưởng như khác xa nhau ấy?
 
1. Thế giới biểu tượng
Ảnh: Ngẫu Thư 
 
Điểm tương đồng đầu tiên trong Thơ haiku và nhạc Trịnh là có nhiều những hình ảnh mang tính biểu tượng, tượng trưng. Biểu tượng trở thành phương tiện, phương thức biểu đạt đắc dụng của ca từ Trịnh Công Sơn, và tất nhiên cũng là của thơ haiku – loại thơ cực ngắn. Bất kì một người làm thơ haiku nào cũng biết điều này. Thơ haiku chủ yếu truyền đạt thông điệp bằng biểu tượng. Biểu tượng sẽ tạo ra những tầng nghĩa sâu xa, giúp người đọc liên tưởng, tưởng tượng để đi đến khám phá một bài haiku.
“Cành khô/ quạ đậu/ chiều thu”(Basho)
Hay: “Ngọn lúa nào/ trong ngón tay bíu chặt/ khi từ biệt nhau”(Basho)
 
Haiku chỉ đưa ra các hình ảnh (mang tính biểu tượng) như vậy, để kích thích, khơi gợi sự liên tưởng của người đọc. Biểu tượng tạo ra tính hàm súc, nghĩa hàm ẩn cho sự biểu đạt. Vì vậy mà một bài haiku thường có ý ở ngoài lời, có những “khoảng trống”, “khoảng trắng”, khoảng chân không bao la, sâu thẳm.
Nghe nhạc Trịnh Công Sơn, có khi ta không hiểu hết ý nghĩa của ca từ, nhưng lại vẫn cứ thích nghe. Đó là sức cuốn hút kì lạ của nhạc Trịnh. Một phần vì giai điệu, nhưng có lẽ một phần cũng do tính biểu tượng của ca từ. Ở những bài hát của Trịnh, hình ảnh người phụ nữ xuất hiện rất nhiều, đó là đối tượng thẩm mĩ chủ đạo trong thế giới của ông. Nhưng hình bóng giai nhân trong thơ Trịnh thường ít xuất hiện một cách rõ ràng, toàn diện mà chỉ là những nét gợi tả thoáng qua:
 
Một đôi môi: “Ngoài phố mùa đông đôi môi em là đốm lửa hồng”(Ru đời đi nhé); “Ngủ đi em đôi môi lửa cháy”.(Em hãy ngủ đi)
Đôi mắt: “Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu”. (Diễm xưa)
Đôi vai: “Vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi”. (Như cánh vạc bay)
Mái tóc: “Tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh”.(Như cánh vạc bay)
Hàng mi: “Ngủ đi em, mi cong cỏ mượt”. (Em hãy ngủ đi)
Làn da: “Ngủ đi em, da thơm quả ngọt”. (Em hãy ngủ đi)
Bàn tay: “Ngủ đi em, tay xanh ngà ngọc”. (Em hãy ngủ đi)
Và cả gót chân: “Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ”.(Diễm xưa)
 
Hình ảnh giai nhân trong ca từ của Trịnh luôn là thế, mơ hồ, hư hư thực thực… nhưng có sức quyến rũ, mời gọi sâu xa. Và đó là biểu tượng của cái Đẹp, của sự cứu rỗi tâm hồn con người trong cõi phù sinh ngắn ngủi, khi mà “Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người...”(Này em có nhớ). Biểu tượng trong nhạc Trịnh, vì vậy, đã tạo ra sự ám ảnh cho người nghe, từ đó, dẫn họ vào một thế giới siêu thực và đầy bí ẩn.
Nếu thống kê các loại biểu tượng trong nhạc Trịnh, có lẽ sẽ được một con số không nhỏ. Từ loại biểu tượng mùa, cho tới biểu tượng thời gian, biểu tượng cơ thể… Tất cả đều cho thấy một phương diện ngôn ngữ khá đặc biệt trong ca từ Trịnh Công Sơn: tính biểu tượng. Có những biểu tượng dễ hiểu, dễ cảm. Nhưng cũng có những biểu tượng thực sự thách thức trí tưởng tượng của chúng ta: “Trên đời người trổ nhánh hoang vu. Trên ngày đi mọc cành lá mù. Những tim đời đập lời hoang phế” (Cỏ xót xa đưa)
 
Như vậy, có thể nói, điểm tương đồng trong thơ haiku và nhạc Trịnh chính là thế giới biểu tượng.
 
2. Khoảnh khắc “đốn ngộ”
 
Ảnh: Ngẫu Thư 
 
Haiku là thể thơ Thiền. Trong thơ haiku thường xuất hiện những khoảnh khắc đốn ngộ. Đó là cái hay, sự độc đáo của những bài haiku. Thiền sư – thi sĩ Basho đã có biết bao khoảnh khắc như thế trên bước đường du hành trên “lối lên miền Oku” sâu thẳm. Đó là khoảnh khắc bất chợt nhận ra một đất khách – Edo bỗng trở thành “cố hương” tự bao giờ:
 
Đất khách mười mùa sương/ về thăm quê ngoảnh lại/ Edo là cố hương”.
 
Hay là khoảnh khắc nhận chân cuộc đời mình chỉ như một giấc mộng “trong hồn Trang Chu”:
Em là bướm ư/ ta là giấc mộng/ trong hồn Trang Chu’’
 
Trong ca từ Trịnh Công Sơn, chúng ta cũng sẽ bắt gặp rất nhiều những khoảnh khắc hiện sinh như thế :
Có khi là một lần chợt nhận ra mình mang trái tim ‘từ bi’ của Phật khi bị người tình phụ :
 
“Yêu em , yêu thêm tình phụ. Yêu em, lòng chợt từ bi bất ngờ.” (Ru em)
Có khi lại “tỉnh ra” trong một đêm vắng, thấy mình như “thác đổ” giữa đời:
"Nhiều đêm thấy ta là thác đổ. Tỉnh ra, có khi còn nghe." (Đêm thấy ta là thác đổ)
 
Có khi thức dậy giữa một chiều muộn, bỗng nhận ra đời là một màu trắng hư vô: “Chiều hôm thức dậy, ngồi ôm tóc dài, chập chờn lau trắng trong tay.” (Chiếc lá thu phai)
Và: “Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi. Lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày”. (Cát bụi)
Giây phút ngỡ ngàng khi biết mình “yêu quá đời này” ngay trong cơn tuyệt vọng: “Tôi là ai mà còn khi giấu lệ. Tôi là ai mà còn trần gian thế? Tôi là ai mà yêu quá đời này”. (Tôi ơi, đừng tuyệt vọng)
 
 
Thế giới quan của Trịnh ảnh hưởng sâu sắc quan niệm Phật giáo. Nhạc sĩ cũng đã từng khẳng định đạo Phật, từ nhỏ đã để lại dấu ấn sâu sắc đối với ông. Điều đó, không ít lần được minh chứng trong ca từ Trịnh: “Đứng giữa hư vô, khoác áo chân như, long lanh giọt buồn” (Giọt lệ thiên thu). Chính nền tảng tư tưởng này, cùng một “cái tôi suy nghiệm” sâu sắc, độc đáo, đã tạo cho nhạc Trịnh màu sắc Thiền rất đặc trưng. Thiên thu nằm trong một khoảnh khắc – khoảnh khắc đốn ngộ về đời người: sự sống, cái chết, tình yêu, thân phận con người… tất cả đã tạo nên tính triết mĩ trong nhạc Trịnh. Có người nói rằng âm nhạc của Trịnh là âm nhạc của một người nhưng cũng là của chung cho tất cả. Điều ấy có lí lẽ riêng của nó. Âm nhạc của ông là thế giới của cái tôi rất tài hoa, đa cảm, luôn trăn trở về thân phận của riêng ông, nhưng nó lại chạm đến những góc khuất sâu kín nhất của tâm hồn mỗi người, vì vậy mà nó tạo ra một sự cộng hưởng, đồng cảm và âm thầm, len lõi vào tim bất kì ai.
 
Như vậy, không hẹn mà gặp, thơ haiku và nhạc Trịnh có những điểm thật gần gũi nhau. Nhạc Trịnh Công Sơn là tinh hoa của âm nhạc, tâm hồn Việt Nam. Haiku là tinh hoa của văn học, tâm hồn Phù Tang. Đồng cảm với các nhà thơ haiku, có lẽ cũng dễ đồng cảm với nhạc Trịnh, và ngược lại. Đó cũng là sợi dây xuyên kết tâm hồn Nhật – Việt, hai dân tộc, hai đất nước, hai nền văn hóa vốn có nhiều điểm tương đồng.
Đọc haiku, có khi phải đọc nhiều lần mới hiểu, mới thấy hay. Thưởng thức nhạc Trịnh cũng vậy, có khi phải nghe nhiều lần và càng nghe thì càng thấm. Càng thấm lại càng thích, càng thấy hay.
 
(Sài Gòn, tháng 1, năm 2012. )

Bài viết liên quan

TIN MỚI NHẤT

Không gian thầy đồ - Văn Miếu Quốc Tử Giám

Không gian thầy đồ - Văn Miếu Quốc Tử Giám

TỪ MÁI TRANH LÀNG CŨ ĐẾN GÁC KHUÊ VĂN GẶP
Thư pháp từ những niềm vui nhỏ - Thùy Lân

Thư pháp từ những niềm vui nhỏ - Thùy Lân

Trước khi đến với lớp học thư pháp, em từng