DUYÊN CỔ TÍCH
logo

Chắc bạn cũng có lần như tôi. Gặp cảnh, gặp người lần đầu nhưng quen quá. Ôi, sao thân quen quá! Mình đã gặp? Không! Không phải. Cứ mơ mơ, ngờ ngợ.

Năm 2015, tôi về xứ Thanh. Đi qua đò Lèn, tôi post: Qua đò Lèn nhớ Đò Lèn.
Đò Lèn là một bài thơ của Nguyễn Duy trong chương trình Ngữ Văn 12.

Tôi nhận ngay được tin nhắn: Chào mừng em đến với quê hương chị! Em đi đâu, về đâu, ở lại bao lâu?
Nhận được tin, chị chốt: - Chiều mai chị sẽ tới thăm em. Cùng một người bạn nữa, cũng là người em biết.

Thực ra hai chị là bạn Facebook, cùng là người khoa Văn.

Tôi ở làng chài Ngư Lộc - Hậu Lộc. Trong một quần thể đền - đình - chùa.

Hôm sau, ngóng mãi, chỉ đường mãi, khi bóng chiều đã ngả, hai chị mới tìm được chỗ tôi ở.

Lần đầu gặp mặt, mà ngỡ quen tự trăm năm. Mấy chị em vừa nói chuyện vừa chụp ảnh với nhau bằng chiếc iPhone 4s. Rồi lại chạy ra bờ biển chơi 1 lúc. Hát vu vơ một vài câu hát. Bức ảnh chụp ở đó chị để làm ảnh đại diện suốt mấy năm liền. Chia tay nhau bên biển, bóng hoàng hôn sắp thu lại những vệt nắng cuối cùng. Người lên xe, lòng còn vương vấn.

Về chùa tôi ngồi ngắm lại bức ảnh chụp chị. Bức ảnh cô gái váy hoa, đứng tựa bên cổng chùa rêu phong. Cổng mới xây bên ngoài, nhưng cổng cũ vẫn được giữ lại vẹn nguyên. Đó là cái hay của nơi này. Bất chợt, tôi gõ những dòng trên ghi chú:


“Này em
Em thấy gì trong rêu phong cổ tích?
Có thấy ta,
Từng đợi em dưới bóng hoàng lan?
Có nhớ em,
Từng nức nở lúc sen tàn?
Sương chưa kịp tan đời người đã qua cùng giấc mộng.
Ta vẫn gặp nhau sau mỗi đầu thai chuyển kiếp.
Gốc hoàng lan nay đã già
Hồ sen cũng vừa hết một mùa hương ngát
“Mùi hương phấn người
một hôm nhớ lại
hẹn ngày sau..." (*)

Câu cuối tôi lẩy ý Trịnh Công Sơn, nhưng bớt đi mấy chữ.
Trước nay tôi chỉ quen làm Haiku. Ngắn. Cực ngắn. Nay viết được bài này thấy thích thú lắm. Những ý thơ trong đó, đều hội tụ từ ý nghĩ về những cuộc gặp trong đời. Sự cảm mến với tấm lòng của hai chị chỉ là cái cớ.

Nhìn lại bức ảnh chị chụp mình. Bàn tay hứng giọt nắng bên cổng cũ rêu phong, tôi lại gõ:


“Xoè bàn tay ngắm,
Có gì?
Đường chỉ tay là những chuyến đi,
là hợp - tan - tan - hợp
Đời vô thường thế
Người đâu nỡ vô tình.”

Đúng là người đã không nỡ vô tình, mà lặn lội từ thành phố về vùng quê ven biển thăm tôi. Nếu lần ấy không gặp. Chẳng biết đến bao giờ mới gặp. Năm nay, sau 5 năm, lần lượt, tôi mới lại được gặp hai chị ở Hà Nội.

Qua màn hình thư diện, vẫn cứ dõi theo nhau.
Khi tôi kể cho thầy Chu Sơn, thầy bảo: “Bài thơ có những tình ý rất phiêu. Thích đấy.”
Sau này với biết, hôm đi thăm tôi, không chỉ có hai chị. Còn có cả một em bé đang lớn từng ngày. Tôi đặt tên bài thơ là Duyên Cổ Tích”

Xin nhắc lại ý đầu bằng một đoạn trong tản văn của
Bạch Lạc Mai - Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất:

“Phải chăng có một nơi bạn chưa từng đến, mà lần đầu gặp gỡ lại có cảm giác cách biệt nhiều năm? Từng gốc cây ngọn cỏ từng hạt cát bụi ở đó, đều hiển hiện trong mơ, đượm vẻ lạ lẫm lẫn quen thuộc tựa như xa cách một đời.”

Ngẫu Thư

 

Bài viết liên quan